Chỉ trong thời gian ngắn, một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã chính thức đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD vào Đồng Nai để phát triển các dự án như: Tập đoàn CJ, Hyosung (Hàn Quốc), Amata (Thái Lan), Forval (Nhật Bản), Vingroup, Hòa Phát (Việt Nam)...
Bên cạnh đó, không ít tập đoàn từ Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Dubai... cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, ngành nghề với dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh này và các vùng xung quanh nhằm đón đầu cơ hội thị trường một khi siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng.
Nguyên nhân thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt đổ vào Đồng Nai là bởi một khi vùng thành phố sân bay được “kích hoạt”, lĩnh vực BĐS sẽ đón được một dòng vốn lớn đầu tư, bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp khác vốn là tiềm năng của khu vực này.
Nói về triển vọng thị trường địa ốc ăn theo quy hoạch đô thị Long Thành, Nhơn Trạch và vùng đô thị mở rộng TP.HCM, chuyên gia CBRE Việt Nam khẳng định đang xuất hiện "khu tứ giác BĐS mới" tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và chính vì thế hơn 2 năm qua nhiều doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước dành sự ưu tiên lớn cho nơi này.
“Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường BĐS của vùng tứ giá” này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt”, vị chuyên gia nghiên cứu này cho hay.
Theo đó, vùng tứ giác BĐS mới này bao gồm Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An – Thủ Dầu Một (Bình Dương) - quận 2, 9, Thủ Đức (TP.HCM) và một phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (TP. Bà Rịa, huyện Long Sơn). Đây là các khu vực đang có tốc độ phát triển BĐS sôi động nhất tại phía Nam.
Nhận định về vùng tứ giác này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE, cho rằng việc hình thành nên một điểm “nóng” mới trên thị trường là không tránh khỏi, bởi vì một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng mạnh nhất thì cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất.
"Các tỉnh, thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang cùng chung tay thực hiện nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kết nối liên vùng một cách thông suốt, tạo tính liên hoàn", bà Dung nhấn mạnh.
Được biết, theo quy hoạch giao thông phía Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 tuyến đường cao tốc được xem là “cửa ngõ” cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành) sau này gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đến nay mới có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang chờ đầu tư. Theo Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại 3 điểm là nút giao An Phú, cầu Long Thành và nút giao giữa đường cao tốc với quốc lộ 51.
Lãnh đạo VECE cho hay đã đưa ra phương án về lâu dài cần đầu tư thêm một nhánh cầu Long Thành, mở rộng từ tuyến đường vành đai 2 đến quốc lộ 51 lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm cho đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để chia sẻ lưu lượng xe cho quốc lộ 51 khi đó mới giảm được ùn tắc.
Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt khi xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến đường cao tốc này trở nên rất quan trọng do kết nối các khu công nghiệp với sân bay và cảng biển.
Theo đơn vị này, trong điều chỉnh quy hoạch vùng, TP.Biên Hòa là đô thị loại I; huyện Nhơn Trạch là đô thị loại II; huyện Long Thành, Trảng Bom là đô thị loại III. Trong tương lai, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch là những cực quan trọng trong phát triển đô thị của Đồng Nai. Những khu vực trên phát triển sẽ thúc đẩy các vùng lân cận khác trong tỉnh và góp phần lớn trong phát triển xây dựng đô thị vùng TP.HCM.
Do đó, dự kiến trong tháng 6/2020 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công, thì những dự án giao thông quan trọng khác kết nối từ đây với nhiều địa phương khác phải được đầu tư xây dựng trước một bước.
UBND TP.HCM cũng cho rằng, ngay cả khi Đồ án quy hoạch vùng TP.HCM sửa đổi cũng chưa đề cập đúng mức về kết nối giao thông, nhất là giao thông đường sắt. Trong khi đó, muốn phát triển được kinh tế vùng thì phải ưu tiên hệ thống đường sắt song song với các tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng.
Hiện nay, TP.HCM đang cùng các tỉnh, thành phố trong vùng cùng tiến hành nghiên cứu các dự án kéo dài tuyến đường sắt để có cơ sở trình Bộ GTVT. Việc hình thành những tuyến đường sắt này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong Vùng.
Chẳng hạn, vùng kinh tế này từ lâu cũng đang manh nha một dự án giao thông liên kết vùng “khủng” khác. Đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt Tân Sơn Nhất – Long Thành, nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó, theo UBND TP.HCM hiện việc kết nối giao thông từ TP.HCM đến sân bay Long Thành tương lai chủ yếu qua tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có khả năng ùn tắc. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành để chia sẻ.
Còn theo Cục Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đi song song bên phải tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong tương lai, tuyến đường sắt này sẽ trở thành một trong những điểm kết nối trọng điểm và xuyên suốt của toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam, sẽ tiếp tục được đầu tư kéo dài từ TP.HCM đến TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TP. Cần Thơ.
Đáng chú ý, tại cuộc họp gồm đại diện các sở GTVT Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, được biết dự án có tính chất liên Vùng quan trọng kỳ vọng sẽ được đầu tư sớm là tuyến đường Vành đai 3. Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh từ năm 2013.
Theo đó, Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức.
Đường Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Tân Vạn (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng; đoạn 2 Mỹ Phước – Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22 (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng; đoạn 4 Quốc lộ 22 – cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng.
Gần đây, những vị trí thuộc tứ giác nói trên đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Điển hình như Đồng Nai tái khởi động những dự án khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở kiêm du lịch sinh thái… có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD với những tên tuổi lớn, như: Amata (Thái Lan), Vina Capital (Singapore)….
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, dự án Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, dự án Mega City rộng gần 90ha của địa ốc Kim Oanh… cũng đã tái khởi công.
Hay như Dự án Thăng Long Home - Hiệp Phước có quy mô 227 căn nhà phố vườn liền kề và nhà phố thương mại với phong cách Tây Âu chuẩn bị được nhà đầu tư tung ra thị trường, phục vụ tầng lớp chuyên gia và quản lý làm việc Nhơn Trạch. Được biết, Dự án ở hữu vị trí ngay mặt tiền TL 25B mở rộng (đại lộ Tôn Đức Thắng), liền kề 8 KCN lớn của Nhơn Trạch, với mật độ xây dựng chỉ 30% và 70% được dành cho mảng xanh, các khu tiện ích hiện đại. đẳng cấp quốc tế
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể kể như tập đoàn Tuần Châu với siêu dự án du lịch - nghỉ dưỡng ven biển; ông chủ dự án Ho Tram Strip cũng đang manh nha dự án sân bay lưỡng dụng; một đại gia địa ốc khác đến từ Thái Lan cũng đang làm việc với tỉnh này xin chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Long Sơn có diện tích hơn 2.000ha…