Dự kiến cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 sẽ thu hoạch rộ và kết thúc vụ đông xuân. Trước tình hình giá lúa xuống thấp và ít thương lái đến đặt cọc thu mua, ngành nông nghiệp đã và đang kêu gọi doanh nghiệp vào tiêu thụ lúa, giải quyết khó khăn cho bà con nông dân.
Giá lúa tuy mới đầu vụ nhưng duy trì ở mức khá thấp so với mọi năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, lúa IR 50404 có giá từ 4.100 – 4.300 đồng/kg, jasmine 4.700 – 4.800 đồng/kg, riêng lúa Đài thơm có nơi thương lái không thu mua.Hằng năm, sau tết Nguyên đán, thương lái tìm đến các ruộng lúa đặt tiền cọc trước để tranh mua lúa đông xuân trong dân thì hiện nay đã vào vụ thu hoạch nhưng không thấy thương lái đến mua như mọi năm và giá lúa xuống rất thấp, thấp hơn năm ngoái từ 500 đồng đến hơn 1.000 đồng/kg khiến người dân rất hoang mang.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đã phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu Yến Đăng, là doanh nghiệp ở địa bàn cam kết thu mua toàn bộ diện tích lúa cho người dân trong huyện, không hạn chế số lượng và giống lúa, kể cả giống lúa Jasmine 85, Đài thơm 8, Đài Thơm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Bà Phan Kim Loan, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp cho biết: 4.000 ha được doanh nghiệp ký bao tiêu từ đầu vụ với giá 5.200 đồng/kg, hiện nay các doanh nghiệp này vẫn đang thực hiện tốt theo hợp đồng đã ký kết. Diện tích khoảng 27.000 ha còn lại Công ty xuất nhập khẩu Yến Đăng sẽ thu mua theo giá thị trường hiện nay.
"Phòng Nông nghiệp đã thông báo tới các thị trấn, tới tận hộ dân, thông báo trên đài là những nơi nào chưa có thương lái thu mua thì liên hệ với Phòng Nông nghiệp, Phòng sẽ mời doanh nghiệp xuống coi lúa, đặt cọc mua tại ruộng cho người dân, không để tồn đọng lúa trong nhà", bà Phan Kim Loan cho hay.
Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh Kiên Giang xuống giống được hơn 289.000 ha, hiện nay đã thu hoạch được hơn 50.000 ha. |
Tại huyện Giồng Riềng, mấy ngày nay giá lúa đã nhích nhẹ lên từ 100 – 150 đồng/kg. Năm nay do lúa thị trường đầu vụ rất có giá nên người dân không chịu ký bao tiêu với doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc khải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giồng Riềng cho biết: Tuy giá lúa xuống rất thấp nhưng trên địa bàn đều có thương lái đến thu mua, không có tình trạng lúa hàng hoá bị tồn ứ trong dân.
Hiện nay huyện đang bước vào thu hoạch rộ nên để ngăn chặn tình trạng o ép giá, phòng sẽ chủ động mời các doanh nghiệp thu mua lúa đến địa bàn để họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người nông dân và tìm tiếng nói chung để hợp tác vụ tiếp theo, tránh tình trạng tương tự như hiện nay.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay, cả tỉnh đã thu hoạch được khoảng 50.000/289.000 ha. Năm nay có khoảng 15 doanh nghiệp tham gia bao tiêu khoảng 20% diện tích.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: Hiện nay chưa có thông tin chính thức nhưng người dân cũng lo ngại khi giá lúa xuống quá thấp thì một số doanh nghiệp sẽ chấp nhận bỏ tiền cọc để không thu mua như hợp đồng. Một số doanh nghiệp này không bao tiêu đầu tư toàn bộ mà chỉ ký hợp đồng đặt cọc 500.000 đồng – 1 triệu đồng/ha để thu mua lúa với dân nên cả chính quyền lẫn người dân lo ngại những doanh nghiệp này sẽ bỏ cọc.
"Hiện nay chưa diễn ra nhưng cũng lường trước khả năng này. Về phía ngành chủ yếu rà soát lại các hợp đồng đã ký, xem hướng của doanh nghiệp như thế nào vì giá tuột xuống quá thấp thì cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận, hoạt động của doanh nghiệp, sẽ tính toán lại giá cho phù hợp. Những doanh nghiệp nào khó khăn về vốn thì tỉnh sẽ tìm cách để hỗ trợ", ông Đỗ Minh Nhựt khẳng định./.