Tại Dharavi - khu ổ chuột lớn bậc nhất Ấn Độ hiện nay, có 125.000 người thuộc 5 điểm nóng Covid-19 đang phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Thậm chí, cảnh sát còn dùng cả drone (thiết bị bay không người lái) để kiểm soát sự di chuyển của họ, xem ai có ý định rời nhà, ai muốn bỏ trốn... Tất cả nhằm mục đích kìm hãm sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, dẫu giám sát mạnh mẽ như thế nào, khu ổ chuột này vẫn đang là một lỗ hổng lớn của Ấn Độ. Một lỗ hổng chết người, đủ để khiến nhà chức trách địa phương thành lập "Chiến dịch Dharavi" - tên gọi dành riêng cho quá trình xử lý dịch bệnh tại khu vực này.
Khu ổ chuột Dharavi, ước tính có khoảng 1 triệu người đang sinh sống ở đó. Họ làm những công việc hết sức phổ thông: từ công nhân nhà máy, giúp việc, tài xế lái xe... phục vụ cho những người thuộc tầng lớp cao hơn của Mumbai. Trong đó, 1/8 sống tại 5 điểm nóng dịch bệnh, đang chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ chính quyền.
Nhưng như đã nêu, khu ổ chuột này chính là lỗ hổng chết người của Ấn Độ. Người dân sống chen chúc, đường đi nhỏ hẹp, chất lượng vệ sinh yếu kém tạo ra một môi trường hoàn hảo để virus lây lan dễ dàng.
"Thách thức lớn nhất nằm ở chính Dharavi, nơi 10 - 15 người chung sống trong một căn phòng chật hẹp. Cách ly xã hội kiểu gì bây giờ?" - quan chức thành phố, ông Kiran Dighavkar đặt câu hỏi. Ông hiện tại đang giám sát đội ngũ 2.500 người gồm các nhân viên y tế, tình nguyện viên và công nhân vệ sinh. Tất cả đang cố gắng kiềm giữ dịch bệnh không vượt ra ngoài tầm kiểm soát và gây quá tải bệnh viện.
Được biết, lệnh phong tỏa được siết chặt hơn tại 5 điểm nóng của khu ổ chuột, sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận hồi đầu tháng 4. "Không ai được phép ra ngoài nữa. Mọi thứ, kể cả hàng tạp hóa, đều phải đóng cửa." - trích lời Dighavkar. "Cảnh sát dùng cả drone để đảm bảo thực thi quy định."
Trường học, khu phức hợp thể thao, bệnh viện hoang phế nay đều được tận dụng thành nơi đặt bệnh nhân, và cũng là cơ sở cách ly. Trong tuần qua, có khoảng 40.000 người được kiểm tra thân nhiệt tại các trại lưu động dựng quanh khu vực. Ngoài ra, toàn bộ 225 nhà vệ sinh công cộng - thứ gắn liên với đời sống cư dân đều được khử trùng mỗi ngày.
Thành phố Mumbai thậm chí đang tính đến chuyện phát đại trà hydroxychloroquine - loại thuốc chống sốt rét, được cho là có thể "phòng ngừa virus" cho cư dân Dharavi - Daksha Shah, chuyên gia y tế cấp cao của thành phố cho biết.
"Hiện tại, cộng đồng cư dân đang hoảng sợ, vậy nên chúng tôi cần phải thậ cẩn thận," - Shah chia sẻ với AFP, đồng thời cho biết họ đang chờ đợi sự chấp thuận của New Delhi.
Tại những nơi khác của Ấn Độ, tuy lệnh phong tỏa không nghiêm trọng như khu ổ chuột Dharavi, nhưng cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân nghèo, thậm chí là cả tính mạng của họ. Một số tổ chức phi lợi nhuận đã cung cấp 4500 suốt ăn mỗi ngày cho cư dân Dharavi, cùng 32.000 người khác tại Mumbai.
"Nhiều gia đình đang mắc kẹt ở nhà hoặc tại nhà máy, không biết khi nào thực phẩm mới được phát đến, và họ phải chịu đói," - trích lời Imran Idris Khan, một nhân viên xã hội. Khan cho biết bản thân đã phải đăng video lên mạng xã hội, nhắn tin cho các cư dân trong khu để ra nhận thực phẩm.
Thành phố Mumbai có 3000 ca nhiễm bệnh, trong tổng số 18 triệu dân sinh sống. Tổng cộng trên toàn quốc, có 20.000 ca nhiễm, với dân số 1,3 tỉ dân.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng bang Maharashtra - ông Uddhav Thackeray nhận định, 70-75% ca nhiễm trong bang này có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng.
Quan chức tại Dharavi đã cố gắng làm xét nghiệm diện rộng, bao gồm cả những cư dân không có triệu chứng. Tuy nhiên, chính quyền New Delhi đã bác bỏ đề xuất này. Theo khuyến nghị, những người không có triệu chứng chỉ được xét nghiệm nếu họ cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc đã tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm.
Hệ quả, cả khu ổ chuột hơn 1 triệu dân, nhưng chỉ có 657 người được xét nghiệm. Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo ngại, rằng các bệnh viện khó lòng mà chống cự nổi nếu các ca nhiễm bệnh tăng lên. Mà thực tế, bệnh viện vốn cũng đang quá tải rồi.
Một cư dân Dharavi đang được chữa trị cho biết, anh không có bất kỳ triệu chứng nào suốt 3 tuần cách ly, và dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Thế rồi đột nhiên, anh bị đau họng, phát sốt, và giờ đã nhập viện hơn 9 ngày.
"Tôi cảm thấy bất lực, và rất lo lắng cho gia đình mình," - thanh niên này cho biết. Anh giấu tên, vì không muốn gia đình bị kỳ thị sau khi trở về.
"Việc chứng kiến nhiều người thiệt mạng vì dịch bệnh khiến tôi cảm thấy tồi tệ. Liệu chúng ta có thể thoát khỏi tình cảnh này không?"
Nguồn: AFP