Quy tắc bị vi phạm ở AIG và Goldman Sachs
Một thập kỷ trước, khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, hai gã khổng lồ trong ngành đầu tư Hoa Kỳ, Goldman Sachs và công ty bảo hiểm American International Group, đã bị mắc kẹt trong một vụ tranh chấp kế toán phức tạp.
Chi nhánh tài chính của AIG có trụ sở tại London đang phát triển nhanh chóng đã ký hợp đồng trị giá hàng tỷ USD dưới dạng hợp đồng phái sinh tín dụng bảo hiểm cho những khoản cho vay thế chấp của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Khi tình hình tín dụng xấu đi vào cuối năm 2007 và các sản phẩm chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bắt đầu bị siết chặt, giá trị của chính sách bảo hiểm này trở thành cốt lõi cho tiềm lực tài chính của cả AIG và Goldman Sachs.
Goldman Sachs muốn ghi nhận khoản lợi nhuận đang bùng nổ mà nó thu được từ các hợp đồng bảo hiểm chứng khoán phái sinh, dựa trên xác suất vỡ nợ các khoản vay cơ sở. Theo tính toán của ngân hàng, AIG nợ 5,1 tỷ USD, phần lớn trong số đó là cho Goldman Sachs. Không mấy ngạc nhiên khi AIG có đánh giá hoàn toàn khác. Công ty bảo hiểm ước tính nợ của hãng không quá 1,5 tỷ USD, một khoản tiền cho phép duy trì lợi nhuận quý.
Cả hai bên đều tìm kiếm sự ủng hộ của các kiểm toán viên cho cách thức giải quyết vấn đề. Thật trùng hợp, họ đều thuê chung 1 công ty kiểm toán: PricewaterhouseCoopers. Và mặc cho những lập luận đanh thép rằng lợi ích của một bên trong giao dịch zero-sum sẽ phản ánh sự thua lỗ của bên còn lại, trong trường hợp này rõ ràng điều đó đã không được đảm bảo.
Chỉ vài tháng sau đó, khi thị trường vẫn đóng băng, PwC đã buộc AIG phải ghi giảm tài sản với số tiền khá lớn. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Chứng khoán phái sinh của AIG cuối cùng đã buộc công ty phải chi ra hàng chục tỷ USD trong năm 2008 – khoản tiền chỉ có thể trả được khi chính phủ Mỹ tham gia giải cứu.
Kiểm toán có nghĩa là khảo sát hoặc kiểm tra. "Săn lùng" sự thực đã từng là một trong các công việc chính yếu của các kiểm toán viên: họ phải xác nhận thông tin để đảm bảo với các nhà đầu tư rằng số liệu mà các công ty đưa ra là "đáng tin cậy và công bằng". Nhưng trong cuộc tranh cãi giữa AIG và Goldman, rõ ràng là các quy tắc đã không được tuân theo. Có rất ít mức giá thị trường đáng tin cậy, chưa nói đến các giao dịch tin cậy, hỗ trợ các định giá quan trọng. Lợi nhuận và thua lỗ thực được ghi chép lại, không phải trên cơ sở quan sát cụ thể, mà dựa trên thuật toán có sẵn trên máy tính.
Ngành kiểm toán đang lạc lối?
Charlie Munger, cấp phó của Warren Buffett, đã lặp lại nhiều lần trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 rằng họ đã "vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất".
Sharon Bowles, cựu chủ tịch ủy ban kinh tế và tiền tệ của Quốc hội châu Âu, cho biết: "Hoạt động kiểm toán luôn có những ước tính; suy nghĩ về các khoản dự phòng mà các công ty đưa ra để giải quyết những tổn thất được dự đoán trong tương lai gần. Nhưng từ bỏ việc kiểm toán phải dựa trên số liệu xác thực là điều không chấp nhận được."
Trong suốt ba thập kỷ qua ở Anh, những người đặt ra các tiêu chuẩn đã dần dần tháo bỏ những giá trị truyền thống và thay thế nó bằng 1 hệ thống mới dựa trên ý tưởng cho rằng mục đích chính của kiểm toán là cung cấp thông tin "hữu ích cho người dùng". Quá trình này cho phép các nhà quản lý tiếp cận lợi nhuận dự kiến và lợi nhuận không chính thức, và bổ sung vào mức thặng dư hiện tại.
Gần đây, ý tưởng này cũng là nguyên nhân cốt lõi gây ra một loạt các vụ bê bối kiểm toán liên quan đến thổi phồng lợi nhuận, bao gồm cả chuỗi siêu thị Anh Tesco và công ty phần mềm Quindell. Đây là nguyên nhân đằng sau vụ vỡ nợ của tập đoàn xây dựng lớn thứ hai nước Anh, Carillion, trong đó 6 quý lãi lớn đã bất ngờ biến mất sau khi đánh giá lại các hợp đồng thầu. Tại Mỹ, tập đoàn GE cũng đang bị ở trong cuộc điều tra tương tự.
Các vấn đề này đã làm dấy lên những lo ngại về thị trường kiểm toán, và cả câu hỏi liệu Big Four - KPMG, Deloitte, EY và PwC - có đang trở nên "quá mạnh để sụp đổ", quá chú trọng vào lợi nhuận và tuân thủ quá mức những yêu cầu của các nhà quản lý.
Còn tiếp