Việt Nam vào cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, tuy nhiên chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Bộ Tài chính hiện đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quản lý thuế đối với các “ông lớn” trong đó có YouTube, đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
“Mảnh đất” màu mỡ kiếm tiền?
YouTube hiện đang là mạng xã hội được nhiều người dùng thứ 2 trên thế giới (sau Facebook). Số tài khoản trên mạng xã hội này lên đến con số hơn 2 tỉ người (năm 2019). Đó cũng là lý do đây là kênh thu hút, quảng bá sản phẩm và kiếm tiền cực kỳ hiệu quả được nhiều người quan tâm.
Minh họa của Đan. |
Tại Việt Nam, theo ước tính từ SocialBlade.com, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỉ đồng mỗi năm từ YouTube. Mặc dù có nguồn thu “khủng” từ thị trường Việt Nam nhưng những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như YouTube hay Google, Facebook hay Netflix vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý cho ngành Thuế.
Mới đây, Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số, thể hiện tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Trao đổi với Lao Động liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đang xây dựng hệ thống tư vấn, kê khai, cung cấp mã số thuế đa ngôn ngữ để tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT nước ngoài.
Chống thất thu thuế bằng cách nào?
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2019, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế 1.010 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng 535 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 475 tỉ đồng).
Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành, TMĐT càng nở rộ. Qua rà soát của Tổng cục Thuế, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế hơn 1.143 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng 518,9 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 624,8 tỉ đồng).
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, trong số tiền thuế thu được, có trường hợp cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế, nhưng cũng có trường hợp khi thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện và truy thu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo đánh giá của ác chuyên gia kinh tế, con số 1.000 tỉ đồng mỗi năm nói trên là quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường quảng cáo Việt Nam hiện nay.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1.7.2020) đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.
Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) - cho biết, việc thu và truy thu thuế TNCN đối với những nguồn thu nhập đến từ hoạt động TMĐT, trong đó có YouTube không phải tới bây giờ mới triển khai mà đã được ngành Thuế triển khai nhiều năm nay, số thu ngày càng tăng qua các năm, nhiều nhất tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần quan trọng chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động TMĐT, nền tảng số. Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến hành thu thập thông tin liên quan đến số tiền của các tổ chức/cá nhân tại Việt Nam chuyển trả cho Nhà cung cấp nước ngoài như Netflix thông qua các ngân hàng thương mại.
Google, cơ quan chủ quản của YouTube, vừa thông báo sẽ khấu trừ và đánh thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) không sống tại Mỹ. Chính sách mới sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 6.2021. Và Google kêu gọi các YouTuber cung cấp thông tin thuế với Google để đảm bảo mức đóng thuế phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc các YouTuber tại Việt Nam và các quốc gia khác bên ngoài Mỹ sẽ phải đóng thuế cho thu nhập của mình kiếm được từ YouTube. |
(Theo Lao Động)