Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng chứng kiến túi tiền tăng vọt lên tới 8,8 USD và sắp lọt top 100 giàu nhất hành tinh. Một doanh nghiệp khách sắp lộ khối tài sản 16 tỷ USD hứa hẹn là cú ra mắt chấn động thị trường.
Theo Bloomberg, CTCP Vinhomes, đơn vị phát triển biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp tại những thành phố lớn của Tập đoàn Vingroup (VIC), sẽ hoàn thiện danh sách các nhà đầu tư vào cuối tuần này cho một đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lớn chưa từng có tại Việt Nam.
Theo đó, Vinhomes có thể thu về khoản tiền trị giá 2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kỷ lục IPO vừa được một công ty thuộc Tập đoàn Vingroup: Vincom Retail JSC (chuyên về vận hành trung tâm thương mại) thực hiện hồi cuối 2017.
Theo một thỏa thuận được tiết lộ, Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Trong đó, theo Bloomberg, GIC chi khoảng 850 triệu USD để sở hữu 7,1% cổ phần Vinhomes. Với mức giá này, Vinhomes được định giá vào khoảng 12 tỷ USD.
Cũng theo Bloomberg, Vinhomes thậm chí còn đang cân nhắc định giá công ty từ 13 đến 16 tỷ USD cho cú IPO tới.
Như vậy, nhiều khả năng thương vụ IPO của Vinhomes sẽ là một dấu mốc mới trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Phạm Nhật Vượng - ông chủ của Vingroup |
Gần đây, Techcombank tự định giá 6 tỷ USD và dự kiến thu về 900 triệu USD trong đợt IPO vào tháng 6 này. Nhưng nếu so với cú ra mắt tiềm năng của Vinhomes vẫn còn rất nhỏ bé. Trước đó, Vincom Retail của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã hút về được 708 triệu USD trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Thông tin đăng ký kinh doanh gần nhất, Vingroup nắm giữ trực tiếp gần 70% cổ phần của Vinhomes. Hơn 30% cổ phần còn lại có thể được bán ra trong đợt IPO của công ty này trước khi niêm yết.
GIC là nhà đầu tư quen thuộc trong các đợt IPO các công ty tư nhân lớn của Việt Nam gần đây. Quỹ này đang nắm cổ phần ở một loạt các doanh nghiệp Việt lớn như VietJet, Vinamilk, PAN, FPT, MSN và cũng đang nhắm tới cổ phần Techcombank...
Vinhomes là công ty thành viên phụ trách mảng phát triển bất động sản nhà ở của Vingroup, với quỹ đất lên tới cả trăm triệu mét vuông. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 26.377 tỷ đồng và đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE vào đầu tháng 4.
Hiện Vingroup là công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường hơn 340.000 tỷ đồng (15 tỷ USD). Vincom Retail của Vingroup có vốn hóa cũng gần 100 ngàn tỷ. Vinhomes nếu lên sàn cũng được dự báo có vốn hóa tương tự Vingroup.
Ông chủ của Vingroup - Phạm Nhật Vượng - đồng thời là tỷ phú người Việt giàu nhất thế giới. Ông Vượng đứng đầu danh sách giàu nhất Việt Na trong 6 năm liên tiếp.
Trong vòng khoảng 6 tháng qua, theo Forbes, tài sản của ông Vượng tăng hơn 2,4 lần lên 7 tỷ USD và lọt top 240 người giàu nhất hành tinh. Còn theo tính toán giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt, ông Vượng hiện có khối tài sản hơn 200 ngàn tỷ đồng (8,8 tỷ USD).
Hàng loạt tham vọng của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng tiếp tục nuôi dưỡng đà tăng cho cổ phiếu Vingroup (VIC). Và nếu với tốc độ này, ngay trong năm 2018, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) sẽ có 15 tỷ USD và lọt top 100 người giàu nhất hành tinh.
Trên TTCK, áp lực chốt lời vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột trong mảng ngân hàng và bất động sản vẫn như VIC, HDBank, Petrolimex,... vẫn đứng khá vững.
Dòng vốn ngoại vẫn đang chảy ấn tượng vào TTCK Việt Nam bất chấp những biến động bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và bất chấp VN-Index đang ở đỉnh mức đỉnh 11 năm. Bức tranh kinh tế sáng sủa là điều mà nhiều người kỳ vọng cho chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch 17/4, VN-index tăng 4,79 điểm lên 1.153,28 điểm; HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 134,25 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 59,32 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 6,3 ngàn tỷ đồng.
V. Hà