Chưa đầy 2 tuần trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 27-4 đến 1-5, giá vé máy bay từ Hà Nội/TP HCM tới các điểm du lịch "căng như dây đàn", nhiều chặng gần cạn vé.
Tăng chuyến, giá vẫn không giảm
Trên các website bán vé máy bay , chiều 16-4, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 27-4, về ngày 1-5 có giá 8,5 - 20 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 triệu đồng/vé khứ hồi so với một tuần trước. Giá rẻ nhất đi chặng này ngày 27-4 của VietJet là 3 triệu đồng/vé trong khi Vietnam Airlines bán với giá hơn 7 triệu đồng/vé. Với chiều về ngày 1-5, VietJet đã cạn vé; Vietnam Airlines có vé rẻ nhất giá 5,3 triệu đồng/vé, còn lại là hạng thương gia giá 7,9 - 11,8 triệu đồng/vé.
Cùng thời điểm bay trên, chặng TP HCM - Nha Trang được Bamboo Airways khai thác với giá vé 3,6 - 8,3 triệu đồng/khứ hồi, VietJet 2,6 - 7,2 triệu đồng/khứ hồi và Vietnam Airlines 3,6 - 8,6 triệu đồng/khứ hồi.
Theo các hãng hàng không , với các đường bay nội địa trong dịp lễ 30-4 và 1-5, về cơ bản, khách vẫn có thể đặt vé và có nhiều mức giá để lựa chọn. Trong khi đó, theo Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 14-4, tại một số chặng nóng trong giai đoạn cao điểm, công suất đặt chỗ đã tăng khá cao. Điển hình, chặng Hà Nội - Điện Biên ngày đi 27-4 đã kín hơn 80% số chỗ; Hà Nội - Huế/ Phú Quốc/ Tuy Hòa/ Cần Thơ/ Quy Nhơn... đều đạt trên dưới 70%; TP HCM - Điện Biên/ Phú Quốc/ Tuy Hòa... kín trên 70%; TP HCM - Côn Đảo gần 80%. Ngày 28-4, đường bay TP HCM - Côn Đảo kín chỗ 95,6%. Chiều về ngày 1-5, giá vé máy bay bớt căng thẳng nhưng một số chặng cũng gần hết chỗ, trong đó chặng Phú Quốc - Hà Nội đạt gần 88% số chỗ.
Cục Hàng không Việt Nam thông tin các hãng hàng không đã tăng chuyến vào cao điểm lễ. Tính từ ngày 26-4 đến 2-5, các hãng bay dự kiến cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa. Riêng đường bay từ Hà Nội, TP HCM tăng 657.000 ghế với 3.400 chuyến bay, tương ứng tăng 4,2% ghế và 5,5% số chuyến so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình đội máy bay khai thác giảm, các hãng đã tìm kiếm, bổ sung bằng việc thuê ướt máy bay (thuê máy bay có đội bay) ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác đội máy bay, tăng cường khai thác vào khung giờ tối và ban đêm. Dự kiến, Vietnam Airlines tăng thời gian khai thác từ 10 lên 11 - 12 giờ/máy bay/ngày, VietJet Air tăng từ 12 - 13 lên 13 - 14 giờ/máy bay/ngày. Thời gian quay đầu máy bay cũng được rút ngắn từ 45 phút xuống 30 - 35 phút.
Đáng chú ý, dù tăng chuyến nhưng giá vé máy bay nhìn chung không giảm, các hãng triển khai nhiều chuyến bay đêm song giá vé thấp hơn không đáng kể so với bay ngày.
Hàng không, du lịch đều khó
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines, cho hay giá vé máy bay không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình thiếu hụt tàu bay mà còn bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào. Cụ thể, giá nhiên liệu bay neo ở mức cao trên 100 USD/thùng; giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đều tăng.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với khó khăn như chủ động đẩy sớm lịch định kỳ bảo dưỡng máy bay để sẵn sàng khai thác trong giai đoạn cao điểm; sắp xếp lại lịch bay theo hướng tối ưu; tăng cường nguồn lực, tối ưu hóa quy trình phục vụ mặt đất để giảm thời gian quay đầu tàu bay.
Theo đại diện Vietravel Airlines, dự báo tình hình giảm tần suất khai thác liên quan một số tàu bay A321 sử dụng động cơ Pratt&Whitney bị lỗi có thể kéo dài đến hết năm 2024. Đây là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng khan hiếm vé máy bay , nhất là trong dịp cao điểm. "Số chuyến bay khai thác giảm đồng nghĩa dải giá vé tốt sẽ ít hơn, khách hàng mua vé cận ngày phải chấp nhận mức giá cao, nhất là đối với một số đường bay có lượng khách di chuyển lớn" - đại diện Vietravel Airlines nói.
Với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp cũng mất khách do giá vé máy bay tăng cao. Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist, cho biết giá vé máy bay thường xuyên ở mức cao từ đầu tháng 3-2024 dẫn đến một số tour du lịch nội địa sử dụng dịch vụ hàng không tăng giá lên tới 30%. Hệ quả là khách hàng có xu hướng chọn tour đi nước ngoài sau khi so sánh giá kỹ lưỡng hoặc chuyển sang tour đường bộ.
Giá vé tăng theo xu hướng toàn cầu
Ông Subhas Menon, Tổng Giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng không riêng Việt Nam, giá vé máy bay trên thế giới nhìn chung đều cao vì phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung. Hiện nguồn cung thực sự không theo kịp nhu cầu, khi nào nguồn cung - cầu cân bằng thì giá vé sẽ giảm.
Ông Subhas Menon chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng cao và có thể tiếp tục tăng. Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn. Thứ hai, chi phí nhiên liệu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe. Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn "du lịch trả thù" hậu COVID-19, các hãng hàng không dần dần tăng giá vé để cân đối tài chính. Cuối cùng, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện.
Ngoài ra, giá vé máy bay tăng còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu như áp lực do tăng tỉ giá, xung đột vũ trang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị hàng không, đồng thời làm thay đổi lịch trình các chuyến bay.
Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting cung cấp, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17%-25% so với năm 2019. Trong đó, châu Á tăng 21%; Úc, New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.