Sau vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua địa phận xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào ngày 18/2, khiến 3 người trong cùng một gia đình tử vong, các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát để đánh giá nguyên nhân nhằm triển khai các giải pháp khắc phục những bất cập trên tuyến cao tốc này.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan phân tích và chỉ ra những bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Các bất cập được nêu rõ như: Trên toàn tuyến có nhiều điểm kết thúc vượt xe thiết kế nền đường theo kiểu bó hẹp, "thắt cổ chai", gây tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cần được lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, camera phạt nguội, bổ sung thêm các biển báo về tốc độ, khoảng cách.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập, cũng như xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định.
Đoàn công tác Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã tiến hành kiểm tra trực tiếp hiện trường vụ tai nạn với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Kết quả kiểm tra cho thấy tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn quá hẹp, hạ tầng chưa đồng bộ, trong đó nhiều đoạn có nút "thắt cổ chai", từ 4 làn xe chuyển thành 2 làn, gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thông- Phó trưởng Công an huyện Phong Điền cho biết: "Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện còn nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng".
Theo thượng tá Thông, đường cao tốc không thể 2 làn xe như hiện nay mà ít nhất phải có 4 làn, ở giữa phải có giải phân cách cứng, đồng thời trên toàn tuyến phải có hệ thống camera giám sát, được phủ sóng điện thoại đầy đủ.
Trên thực tế, từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra khoảng gần 20 vụ tai nạn, làm hàng chục người chết và bị thương.
Hiện, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn đạt quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến đường này thuận lợi, an toàn.
Tương tự như tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ngày 22/2, PV Dân Việt đã có cuộc khảo sát trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Nhiều tài xế đã phản ánh với PV Dân Việt những bất cập ở tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết như hệ thống điện chiếu sáng ban đêm nhiều đoạn chưa có, đặc biệt là dải dừng khẩn cấp hẹp và ít (từ 5 - 7 km mới có nơi dừng xe khẩn cấp, chỉ dài hơn 150 m) nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, nhất là ban đêm.
Chia sẻ về bất cập tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, anh Trần Văn Hùng(45 tuổi), tài xế xe tải chở hàng chạy tuyến Ninh Thuận - Bình Thuận đi TP.HCM cho biết, từ lúc 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99km, tốc độ cho phép 120km/h) và Vĩnh Hảo -Phan Thiết (dài 100,8km, tốc độ cho phép 90km/h) đưa vào hoạt động đến nay đã gần 1 năm đã giúp giao thông thuận tiện.
"Gần 1 năm qua, trung bình mỗi tuần tôi chạy 3 chuyến từ Ninh Thuận đến TP.HCM bỏ hàng rồi quay về qua các tuyến cao tốc trên. Dẫu thuộc đường, nhưng tôi không bao giờ chủ quan khi ngồi trước vô lăng lái xe trên cao tốc, nhất là tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết", anh Hùng nói.
Nói về kinh nghiệm lái xe trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, anh Hùng cho hay: "Nếu chạy ban đêm tôi càng cẩn thận hơn, bởi tuyến này không có đèn đường không có trạm dừng nghỉ và cũng không có làn dừng khẩn cấp như Phan Thiết – Dầu Giây. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu tốc độ cho phép 90 km/h thì tôi chỉ chạy 80 để an toàn và nhất quyết không vi phạm tốc độ…".
Cũng chia sẻ với PV Dân Việt, tài xế xe tải Lê Thành Ngữ (50 tuổi quê Ninh Thuận) cho biết, do tuyến cao tốc này không có trạm dừng nghỉ, nên nhiều tài xế đã buộc phải cho xe vào làn khẩn cấp để chợp mắt, hay đi ngoài. Nhiều xe dừng nghỉ trên làn đường khẩn cấp và mỗi lần xe ra, vào là mối đe dọa TNGT cho các phương tiện khác khi lưu thông với tốc độ nhanh ở phía sau.
Đáng lo nhất là khi xe dừng nghỉ tạm trong dải dừng khẩn cấp rồi ra lại làn chạy 90km/h rất dễ bị sự cố khi xe phía sau tông vào. Nếu tài xế xe phía sau thiếu quan sát, rất dễ xảy ra va chạm, nhất là ban đêm, thiếu đèn đường…
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác. Bước đầu, đã phát huy hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc kết nối, giao thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng miền và giảm áp lực lưu lượng phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1…
Tuy nhiên, quá trình khai thác đến nay và khảo sát thực tế trên đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh cho thấy còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Bởi trên hai đoạn tuyến chưa có hệ thống camera giám sát giao thông nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về tốc độ…
Đáng lưu ý là tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 2 người và bị thương 8 người; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây 2 vụ TNGT làm chết 1 người và bị thương 1 người.
Hai đoạn tuyến cao tốc trên qua địa bàn tỉnh Bình Thuận dài 148 km nhưng chưa xây dựng trạm dừng nghỉ, gây mỏi mệt cho tài xế và hành khách, một số phương tiện dừng nghỉ dọc đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan, môi trường.
Bất cập nhất là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp. Khi có xe gặp sự cố, nguy cơ cao xảy ra ùn tắc, mất an toàn giao thông. Tại các vị trí dừng khẩn cấp (khoảng cách trung bình 5km) không bố trí hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo....
Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 3 trạm dừng nghỉ trên tuyến đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Xem xét đầu tư xây dựng làn dừng khẩn cấp và bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo (từ nguồn năng lượng mặt trời) tại các vị trí dừng khẩn cấp hai bên tuyến để ban đêm tài xế biết điểm dừng...