Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu TH1 của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam. Theo đó, TH1 sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 20.04.2018, ngày giao dịch cuối cùng của TH1 tại HNX là ngày 19.04.2018. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam là nơi ông Trần Anh Vương (hay Shark Vương) làm Chủ tịch.
Điều đáng chú ý, dù làm chủ tịch HĐQT, nhưng ông Trần Anh Vương không hề sở hữu cổ phiếu TH1 nào. Vậy nên, việc TH1 thua lỗ, bị huỷ niêm yết, Shark Vương dường như không bị thiệt hại gì.
Sở dĩ TH1 bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm gần đây đều thua lỗ liên tiếp và lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại ngày 31.12.2017. Tính đến hết năm 2017, lỗ lũy kế của TH1 lên tới 276 tỷ đồng so với 135 tỷ đồng vốn điều lệ, thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công ty này có những khoản nợ đọng khó đòi trong thời gian dài, khả năng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn gặp nhiều khó khăn do đó việc huy động vốn để kinh doanh không thuận lợi dẫn đến doanh thu bị giảm sút và không đạt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của TH1, công ty ghi nhận khoản doanh thu thuần 154 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 so với năm trước và khoản lợi nhuận ròng sau thuế báo số âm 142 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán viên cho biết tại ngày 31.12.2017, TH1 có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 220 tỷ đồng, lỗ lũy kế 276 tỷ và âm vốn chủ sở hữu gần 93 tỷ đồng, cùng toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên (vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gốc gần 641 tỷ đồng và các khoản lãi vay phải trả tương ứng gần 152 tỷ đồng)... Đó cũng là lý do trước đó, TH1 bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, TH1 có hơn 331 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu đến từ các công ty như XNK Phước Tiếng, Thanh Phát HQ, Thanh Phát, Trung Thành, Thực phẩm C.M.T, Kim loại Việt Nam...
Tại thời điểm cuối năm 2017, cổ đông lớn của TH1 gồm bà Lê Thị Lan góp 28 tỷ đồng, chiếm 20,73%; ông Nguyễn Văn Huyên 26,96 tỷ đồng, chiếm 19,91%; ông Nguyễn Vĩnh Huy 21,5 tỷ đồng với 15,88%; còn lại các cổ đông khác.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2018, bà Lê Thị Lan đã rút vốn hoàn toàn khỏi TH1, thay vào đó là sự xuất hiện của cổ đông lớn Đinh Đức Tùng với tỷ lệ sở hữu 20,73%, tương ứng hơn 2,8 triệu cp.
Với tình hình kinh doanh bết bát, cổ phiếu TH1 cũng có sự phản chiếu tương ứng khi giảm gần 90% kể từ khi niêm yết dù thời điểm giữa năm 2017 đã có sự bứt phá lên hơn 11.000 đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng rớt về lại 5.500 đồng/cp như hiện nay.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, công ty đặt mục tiêu năm 2018 đạt 368,84 tỷ đồng tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế ước đạt 11,58 tỷ đồng. Định hướng hoạt động xuất nhập khẩu là hoạt động cốt lõi; trước mắt duy trì mặt hàng chủ lực là hồ tiêu.
Một diễn biến có liên quan, cổ phiếu TH1 của Shark Vương ở trạng thái trắng bên mua, không có giao dịch trong gần tháng qua. Chốt phiên giao dịch ngày 26.3, cổ phiếu TH1 của Shark Vương với giá 5.500 đồng/cổ phiếu với tình trạng không có một giao dịch nào được khớp lệnh.