Đồng lúa đang trổ bông ở huyện Tân Phú có nguy cơ giảm năng suất vì khô hạn. Ảnh: N.M
Theo ngành chức năng, nguyên nhân lượng nước trữ tại các hồ chứa của Đồng Nai giảm là do mùa mưa 2019 kết thúc sớm, lượng mưa trái mùa trong mùa khô 2019 - 2020 quá ít.
Giữa cái nắng chang chang, ông Nguyễn Trung Hưng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cùng những nông dân khác vẫn phơi mình trong nắng để đào thêm giếng khoan tìm nguồn nước nhằm cứu lấy vườn cây của gia đình.
“Mọi năm, thời điểm này suối và nước mương cũng đều cạn, tôi phải bơm nước từ giếng khoan lên cánh đồng. Còn năm nay, mấy cái giếng khoan cũ cũng không còn nước, nên phải khoan giếng sâu hơn nữa để cố tìm nước tưới” - ông Trung nói.
Hàng trăm ha lúa tại huyện Tân Phú cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, do các đập chứa nước khô cạn sớm so với mọi năm. Một người dân cho biết, đập dâng Năm Sao đã cạn khô khiến lúa trên đồng nguy cơ chết cháy.
Thiếu nước tưới cũng khiến nhiều diện tích mía ở huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, phải đến nửa cuối tháng 5/2020 mới chính thức bước vào mùa mưa, trữ lượng nước sẽ ổn định lại.
Còn ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai nói: “Hiện, cơ bản những công trình thủy lợi vẫn còn nguồn nước tưới nhưng chỉ đảm bảo cho hơn 20.000ha lúa. Các nơi trồng cây lâu năm người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng đào, giếng khoan nên có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ”.
Cũng theo ông Vinh, trong kế hoạch đầu tư các công trình từ vốn ngân sách, trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ dành gần 120 tỷ đồng để đầu tư làm mới, nâng cấp và mở rộng 4 hồ chứa nước tại TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ và Định Quán.