Cụ thể mới đây VietinBank giảm 0,3%/năm lãi suất huy động Việt Nam đồng (VNĐ) kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng nhưng lại điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn huy động 24 tháng thêm 0,1% lên 6,8%/năm. Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% với mức là 6,3%/năm, các kỳ hạn khác tăng từ 0,1 - 0,2%; lãi suất cao nhất trên thị trường phải kể tới ngân hàng VietCapitalBank với mức 8,7%...
Nhìn chung các ngân hàng lớn đều tăng mạnh mức lãi suất tiết kiệm ở các kỳ ngắn hạn và trung hạn; lãi suất kỳ hạn dài ít có sự thay đổi. Đầu vào lãi suất tăng khiến không ít doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay năm nay khó giảm.
Đề cập về tình hình lãi suất đầu vào có sự gia tăng đầu năm, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Thời điểm đầu năm mọi người sẽ tìm kênh đầu tư sinh lời từ khoản tiền tiết kiệm. Hiện kênh đầu tư gửi ngân hàng hưởng lãi suất được quan tâm bởi độ an toàn và khả năng sinh lời cao. Vì thế, việc các ngân hàng tăng lãi suất để cạnh tranh hút dòng tiền dôi dư trong dân là điều tất yếu”.
Tuy nhiên theo TS.Trí Hiếu, lãi suất đầu vào tăng nên lãi suất đầu ra khó có thể giảm bởi các ngân hàng buộc phải giữ biên lợi nhuận tối thiểu nếu không sẽ kéo sụt lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó từ đầu năm, các ngân hàng đã tăng tốc cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, lãi suất đang phải chịu nhiều áp lực từ lạm phát, tỷ giá, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp… Ông Trí Hiếu cũng bày tỏ lạc quan về lãi suất đa phần vẫn ổn định.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kiểm soát lạm phát năm 2019 sẽ rất áp lực khi bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều tiềm ẩn bất ổn, kinh tế trong nước khó khăn. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành không chủ động kiểm soát và phối hợp trong điều hành giá cả các mặt hàng thì không chỉ tạo sức ép lên lạm phát mà còn tới lãi suất.
Một số chuyên gia kinh tế chia sẻ: Lãi suất còn chịu áp lực từ tỷ giá, nhất là những tháng đầu năm, tỷ giá đồng USD liên tục tăng cao do bất ổn trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình hình nền kinh tế Mỹ… Vì vậy, muốn ổn định tỷ giá, lãi suất tiền gửi phải cao để ngăn dòng tiền chảy ra ngoài để mua USD kiếm lời. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng vẫn tăng dù kết quả lợi nhuận năm qua khá khả quan khiến lãi suất khó giảm trong năm nay.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Các ngân hàng hiện tăng tỷ lệ lãi suất cho vay khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng tới 10 - 20%. Lãi suất cho vay tăng còn khiến nguồn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp bị ách tắc, gây khó cho công việc làm ăn, nhất là khi đang vào thời điểm sản xuất đầu năm.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất mong ngành ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho hợp lý. Nhưng phía các doanh nghiệp cũng phải có biện pháp cơ cấu các khoản vay phù hợp để trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh nợ xấu”, ông Quốc Anh nói.
Theo TS.Trí Hiếu, để hỗ trợ hiệu quả hơn, phía các cơ quan quản lý, nhất là NHNN cần chú ý và phối hợp với nhau trong việc điều hành lạm phát, tránh tăng quá cao khiến lãi suất sẽ bị đội lên. Trong khi nếu lạm phát tăng thấp, dưới 3%, đây sẽ là cơ hội để lãi suất có điều kiện giảm xuống. Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục tăng lượng cung tiền ra thị trường, giúp các ngân hàng thương mại dồi dào thanh khoản hơn, từ đó sẽ có thêm điều kiện hạ lãi suất.
“Năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Xem link bài gốc tại đây