Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 11, và làn sóng này ngày càng lan rộng trong tháng 12.
Chạy đà cho năm 2022
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng cao nhất thuộc về Nam A Bank với 7,4%/năm. Trong khi lãi suất trái phiếu cũng được các ngân hàng đẩy tăng cao, trong đó lãi suất trái phiếu cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt với mức 8,5%/năm, kỳ hạn 7 năm.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, nhận định việc điều chỉnh tăng lãi suất như vậy của các ngân hàng là phù hợp thị trường, do tín hiệu lạm phát đã xuất hiện và ngân hàng phải đón trước điều đó. Cùng với đó, việc siết đầu tư trái phiếu bất động sản khiến khu vực bất động sản, thường chiếm tỷ trọng cao trong đối tượng vay vốn trung và dài hạn của ngân hàng, sẽ gặp khó khăn trong trả nợ (hoặc đảo nợ), trong khi thanh khoản sản phẩm chưa khởi sắc đồng đều để có nguồn thu.
Qua đó có thể xem việc các ngân hàng tăng lãi suất chính là hiệu ứng tăng bổ sung vốn huy động dài hạn để đáp ứng vốn vay hiện tại đang tăng khá, do ngân hàng được NHNN nới room tín dụng, nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ cuối năm và để đáp ứng nhu cầu vốn cho giai đoạn đầu 2022.
Điều chỉnh lãi suất theo quý
Theo các chuyên gia, do nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và hơn nữa, Chính phủ đang nghiên cứu một chương trình tổng thể hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023, nên mục tiêu điều hành tiền tệ có tính hỗ trợ cho doanh nghiệp, kinh tế phát triển lúc này rất rõ ràng. Nếu không chịu áp lực lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ở mức hiện tại và theo đó, các nhà băng khó điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Kinh tế Fulbright, cho rằng giữ được lãi suất như hiện tại là một thành công, nhưng NHNN có thể sẽ phải linh hoạt tùy theo biến động của lạm phát và thực tế kinh tế. Do đó, một số quan điểm hiện cho rằng các Ngân hàng đã bắt đầu ổn định hơn về vốn chủ sở hữu, tổng vốn, hệ số CAR, sau một thời gian được phê duyệt tăng vốn (với nhóm Big3) và đua tăng vốn qua thị trường vốn; vì vậy có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để cấp room tín dụng dài hạn cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng từ nay đến tháng 4/2022, lãi vay có thể chưa điều chỉnh tăng. Song trong năm 2022, do lạm phát và các yếu tố khác, NHNN cũng sẽ có cái khó của mình và sẽ phải linh hoạt điều chỉnh theo quý. Vì vậy, room tín dụng cũng có thể tiếp tục được cấp theo quý trong năm tới. Tương tự, lãi suất cũng có thể được điều chỉnh tính bằng quý.