Chỉ blue-chip kết thúc phiên giao dịch đầy biến động giảm 469,64 điểm, tương đương 1,5%, còn 30.932,37 điểm, sau khi giao dịch trong sắc xanh trước đó. Chỉ số S&P 500 mất 0,5% xuống 3.811,15 điểm, do các cổ phiếu năng lượng và tài chính giảm điểm. Nasdaq Composite tăng 0,6% ở mức 13.192,34 điểm, khi các cổ phiếu Big Tech phục hồi sau đợt bán tháo lớn trong phiên. Facebook, Microsoft và Amazon đều tăng hơn 1%.
Cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm trong tuần này do lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng cao hơn và lạm phát ngày càng sâu sắc. Chỉ số S&P 500 đã giảm 2,5% trong tuần này, giảm 2 tuần liên tiếp. Dow Jones mất 1,8% và Nasdaq rớt 4,9%.
Thị trường diễn biến tiêu cực ngay cả khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cho thấy lạm phát đã giảm trong tháng 1. Chỉ số PCE - được Cục Dự trữ Liên bang theo dõi chặt chẽ, tăng 0,3% trong tháng, cao hơn một chút so với dự báo là 0,2% nhưng chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trùng với ước tính của Dow Jones.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 10 điểm cơ bản xuống khoảng 1,42%, sau khi tăng trên mức 1,6% hôm 25/2. Lợi suất trái phiếu ban đầu giảm sau khi dữ liệu trên được công bố nhưng lại tăng cao hơn, khiến các chỉ số chứng khoán chính rớt điểm.
Các nhà đầu tư đang đổ vào nhóm cổ phiếu giá trị, mua cổ phiếu của các công ty sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc triển khai vắc-xin và hoạt động du lịch, ăn uống sẽ quay trở lại.
Lĩnh vực năng lượng đã tăng 4,3% trong tuần này, nâng mức tăng trong tháng 2 lên hơn 21%. Năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất cho đến nay trong bối cảnh kỳ vọng rằng người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ sớm lái xe và di chuyển bằng máy bay như trước đại dịch Covid-19. Tài chính cũng tăng 11% trong tháng này, nhờ lợi suất trái phiếu tăng.
Bất chấp diễn biến tiêu cực trong tuần này, các chỉ số chính đều kết thúc tháng 2 với mức tăng khiêm tốn. S&P 500 và Dow tăng lần lượt 2,6% và 3,2%, trong khi Nasdaq tăng 0,9% trong tháng này.