Sáng ngày 25/6, Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP (mã chứng khoán MNB) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021, thông qua kế hoạch tổng thu nhập 2.166 tỷ đồng, LNST 37,3 tỷ đồng, sụt giảm lần lượt 19,8% và 27% so với kết quả đạt được trong năm 2020. Với chỉ tiêu trên, May Nhà Bè dự kiến chia cổ tức năm 2021 vào mức 10% – 15% bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo May Nhà Bè nhận định, hiện chưa có một dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19 và trở lại các hoạt động kinh tế xã hội bình thường, do vậy những thách thức của năm 2020 gần như còn giữ nguyên trong năm 2021. Đây sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn của ngành dệt may nói chung và Tổng Công ty nói riêng.
Theo đó, thách thức không nhỏ cho Tổng Công ty trong năm nay đến từ việc thiếu hụt lao động có tay nghề và biến động lao động, sự tăng cao của chi phí lao động. Ngoài ra, tiềm lực và nguồn lực con người có khả năng thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh và công nghệ mô hình quản trị trong điều kiện mới sẽ là những vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt.
Về công tác quản trị sản xuất, May Nhà Bè sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ 4.0; thành lập hội đồng sáng tạo, sáng kiến cải tiến sản xuất có nhiệm vụ khơi dậy tinh thần sáng tạo, cải tiến sản xuất liên tục trong toàn hệ thống Tổng công ty.
Đối với thị trường, May Nhà Bè sẽ theo dõi sát sao tình hình để kịp thời cơ cấu tỷ lệ chủng loại hàng hóa phù hợp nhu cầu ở trạng thái bình thường mới của nền kinh tế thế giới và cả nội địa; khai thác có hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, xây dựng ngân hàng dữ liệu khách hàng để có kế hoạch xây dựng mối quan hệ với những đối tác truyền thống và chăm sóc khách hàng cụ thể và hiệu quả hơn.
Trong năm 2021, Tổng Công ty sẽ tiếp tục duy trì và đảm bảo có hiệu quả tại nhà máy may Hậu Giang, Đức Linh, Sóc Trăng, đồng thời tiếp tục chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quý 1/2021 ghi nhận lỗ nặng nhất từ khi lên sàn
Kế hoạch năm 2021 được thông qua với mức sụt giảm hai chữ số, và kết quả kinh doanh trong quý 1 của May Nhà Bè cũng ghi nhận không mấy tích cực.
Hoàn thành 3 tháng đầu năm 2021, Tổng Công ty đã công bố BCTC ghi nhận mức doanh thu thuần trong kỳ đạt 658,6 tỷ đồng giảm 38% so với cùng kỳ.
Trong quý, May Nhà Bè có 6,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, các khoản chi phí đồng loạt giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng do lãi gộp ở mức thấp nên kết quả LNST âm gần 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 2,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ theo quý nặng nhất mà May Nhà Bè đã ghi nhận kể từ thời điểm tháng 4/2018 khi doanh nghiệp bắt đầu giao dịch trên sàn UpCOM.
Năm 2020 hoàn thành kế hoạch, dự kiến chia cổ tức 12% bằng tiền mặt
Trở lại năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đã làm giảm sút sức mua toàn cầu, kèm theo đó là cuộc khủng hoảng thiếu nguyên liệu đầu vào của toàn ngành dệt may. Thị trường trong nước cũng không tránh khỏi những tác động xấu khi nhu cầu tiêu dùng chuyển sang các nhu yếu phẩm và thực phẩm thay vì quần áo gây ra sự sụt giảm đột ngột về đơn hàng của hàng loạt sản phẩm. Để thích ứng, các doanh nghiệp đã buộc phải chuyển đổi sản xuất các chủng loại khẩu trang, sản phẩm bảo hộ y tế,…
Đối mặt với tình hình đó, Tổng Công ty đã nỗ lực và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020. Cụ thể, tổng thu nhập của May Nhà Bè hoàn thành tròn trĩnh kế hoạch đề ra là 2.700 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi thu được đạt gần 51,7 tỷ đồng, vượt 22% so với kế hoạch đề ra.
Với kết quả đạt được, cổ đông May Nhà Bè đã thống nhất tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 là 12% bằng tiền mặt. Với 18,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến số tiền chi ra vào khoảng gần 22 tỷ đồng.
Một nội dung khác đã được đại hội đã biểu quyết tán thành thông qua đó là việc chấp thuận cho CTCP 4M được nhận chuyển nhượng cổ phiếu May Nhà Bè, với tỷ lệ sở hữu trên 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai tại thời điểm nhận chuyển nhượng.
Hiện, 4M là cổ đông hiện hữu tại May Nhà Bè, nắm giữ hơn 4,5 triệu cổ phiếu ứng với 24,89% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, 4M còn đóng vai trò đối tác chiến lược, hỗ trợ tư vấn quản lý, giới thiệu khách hàng, đảm bảo năng lực sản xuất từ 30-50% toàn hệ thống của Tổng công ty.
Số cổ phiếu dự kiến nhận chuyển nhượng là hơn 331.000 cổ phiếu MNB, tương đương tỷ lệ 1,82% tổng số cố phiếu đang lưu hành, bên chuyển nhượng là hai cá nhân Nguyễn Thị Phương Thảo và Lê Thị Bạch Huệ. Nếu hoàn tất thương vụ, 4M sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại May Nhà Bè lên mức 26,71% vốn điều lệ.
Được biết, công ty cổ phần 4M được thành lập từ năm 2013, do bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm là đại diện pháp luật với ngành kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý.
Theo báo cáo thường niên năm 2020 đã công bố của May Nhà Bè, hiện cổ đông nhà nước đang nắm giữ 27,69% vốn Tổng Công ty, cổ đông là tổ chức nắm giữ 23,52% vốn 48,79% tổng cổ phần đang lưu hành được sở hữu bởi các cổ đông cá nhân.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu MNB đang được giao dịch với thanh khoản khá lình xình, đóng cửa phiên 29/6 tăng lên mức 29.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu MNB 1 năm gần đây