Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào phiên giao dịch đêm qua với mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10 khi các nhà đầu tư lo lắng về tình trạng tồi tệ của thị trường trái phiếu báo hiệu một sự suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Lo ngại về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng làm tăng thêm sự "mạnh tay" bán tháo trên Phố Wall.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 799,36 điểm, tương đương 3,1%, đóng cửa ở mức 25.027,07 và có ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 10/10. Tại mức thấp trong ngày, chỉ số này đã giảm hơn 800 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 3,2%, đóng cửa ở mức 2.700,06 điểm và đã giảm xuống dưới mức trung bình động 200 ngày (MA200) của chỉ số này, điều này đã thúc đẩy việc bán ra nhiều hơn từ các quỹ thuật toán. Tài chính là nhóm có những cổ phiếu có diễn biến kém nhất trong chỉ số S&P 500, giảm 4,4%. Tiện ích là ngành tích cực duy nhất trong chỉ số S&P 500, tăng 0,16%.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,8% và đóng cửa tại vùng điều chỉnh 7.158,43. Russell 2000, theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, giảm 4,4% xuống còn 1.480,75, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Khối lượng giao dịch tại các cổ phiếu Mỹ cũng cao hơn bình thường trên Phố Wall.
Lợi suất trên trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 3 năm vượt qua kỳ hạn 5 năm của vào thứ Hai. Khi tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra - lợi suất ngắn hạn giao dịch trên mức lãi suất dài hạn - thì một cuộc suy thoái có thể xảy ra, mặc dù thường là nhiều năm sau khi tín hiệu kích hoạt. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin rằng sự đảo ngược sẽ không mang một tín hiệu chính thức cho đến khi lợi suất trái phiếu 2 năm tăng cao hơn lợi suất của trái phiếu 10 năm - điều vẫn chưa xảy ra.
Các cổ phiếu bắt đầu giảm xuống mức thấp trong ngày sau khi Jeffrey Gundlach, CEO của Doubleline Capital, nói với Reuters rằng sự đảo ngược này cho thấy nền kinh tế "sẵn sàng suy yếu".
Phiên giao dịch tồi tệ của các ngân hàng
Đường cong lợi suất phẳng khiến các nhà đầu tư bán mạnh tay các cổ phiếu ngân hàng vì lo ngại hiện tượng này có thể làm giảm lãi suất cho vay. SPDR S&P Bank ETF (KBE) giảm 5,3%. Cổ phiếu của J.P. Morgan Chase, Citigroup và Bank of America đều giảm hơn 4%. Citigroup và Morgan Stanley đều đạt mức thấp nhất 52 tuần cùng với khu vực Regionals Financial, Citizens Financial and Capital One.
Jack Ablin, đối tác sáng lập của Cresset Wealth cho biết: "Bạn có thể thấy nhóm tiện ích giao dịch tích cực trong ngày, nhưng nhóm tài chính đang bị đường cong phẳng treo một chiếc búa ở trên đầu trong khi các ngành công nghiệp có khả năng giảm do nỗi lo vấn đề thuế quan".
Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại vào cuối tuần trước. Các nhà lãnh đạo từ hai nước đã gặp nhau trong bữa ăn tối tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina. Tin tức này đã khiến thị trường tăng điểm mạnh vào thứ Hai, với chỉ số Dow tăng hơn 300 điểm. Chứng khoán tương lai tăng mạnh vào đêm chủ nhật khi các nhà đầu tư hưởng ứng sự thiện chí từ cả 2 phía. Chỉ số Dow Futures tăng gần 500 điểm trước khi mở cửa phiên giao dịch hôm thứ Hai.
Nhưng sự khác biệt về thời điểm thỏa thuận "ngừng bắn" đó đã dẫn đến sự nhầm lẫn. Trong khi cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, Larry Kudlow, nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng việc "ngừng bắn" sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 thì Nhà Trắng sau đó đã ban hành một tuyên bố nói rằng giai đoạn ngừng bắn 90 ngày bắt đầu từ ngày 1 tháng 12.
Mỹ và Trung Quốc đã có một cuộc đối đầu căng thẳng trong thương mại khi cả hai quốc gia "bắn" những phát súng vào nền kinh tế của nhau với mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Chính quyền Trump cho đến nay đã áp thuế nhập khẩu trị giá 250 USD của Trung Quốc, trong khi chính phủ Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đã áp đặt thuế quan trị giá 110 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ.