Chủ đầu tư dự án Hinode City số 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã không tuân thủ các quy định xây dựng sai phép, chưa được nghiệm thu đã đưa dân vào ở. Dự án cũng liên tục được điều chỉnh phương án kiến trúc.
Liên tục điều chỉnh quy hoạch
Như VietNamNet phản ánh, dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại Hinode City) có địa chỉ tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư.
Được quảng cáo là dự án sở hữu vị trí hiếm có tại trung tâm quận Hai Bà Trưng với phong cách Nhật Bản khác biệt hướng tới sự thịnh vượng, đẳng cấp đích thực cho dự án và cuộc sống hạnh phúc vững bền cho cư dân. Tuy nhiên dù đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng sai phép chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy… chủ đầu tư vẫn cho cư dân về ở trái phép bất chấp an toàn và quy định pháp luật.
Quá thời gian khắc phục sai phạm theo quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án Hinode City nhưng cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng không thực hiện cưỡng chế. |
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên dự án xin điều chỉnh. Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trước đó Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội đã có các công văn số 4296 (ngày 23/12/2010), công văn số 2827 (ngày 17/8/2011) chấp thuận điều chỉnh Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc tại khu đất số 201 Minh Khai.
Đến ngày 27/12/2011, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc cho phép Vietracimex chuyển mục đích sử dụng hơn 31.000m2 đất tại số 201 Minh Khai để thực hiện dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại là Hinode City).
Ngày 20/9/2016, Bộ Xây dựng có công văn số 2061 về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ và dự án đầu tư xây dựng.
Ngày 25/5/2017, UBND TP Hà Nội có công văn 2559 về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án.
Đến ngày 28/7/2017, Sở QHKT có công văn số 4928 chấp thuận bản vẽ điều chỉnh phương án kiến trúc các hạng mục công trình tại dự án.
Dự án cũng nhiều lần được điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD). Cụ thể: Ngày 14/6/2016, dự án được Sở Xây dựng cấp GPXD số 49. Ngày 8/12/2017, Sở Xây dựng cấp GPXD số 150.
Dịch chuyển nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng
Sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khi xây dựng sai với các quyết định đã được thẩm duyệt.
Dự án Hinode City liên tục điều chỉnh quy hoạch, dịch chuyển nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng… |
Theo đó, tháng 9/2019, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex - chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai do đã thực hiện hành vi vi phạm là “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. Người đại diện pháp luật là ông Võ Nhật Thăng – Chủ tịch HĐQT Vietracimex. Với hành vi trên, Vietracimex bị UBND quận Bai Bà Trưng phạt số tiền 40 triệu đồng.
Điều đáng nói, dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ theo quyết định xử phạt trên của UBND quận Hai Bà Trưng mà đến ngày 23/10/2019, Sở QHKT có văn bản số 6056 đề xuất cho phép Vietracimex điều chỉnh các hạng mục công trình.
Ngày 12/11/2019, UBND TP Hà Nội có thông báo Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp xem xét đề nghị điều chỉnh một số hạng mục công trình thuộc dự án . Nêu tại thông báo này, Phó Chủ tịch UBND TP đồng ý chủ trương với đề xuất của Sở QHKT điều chỉnh các hạng mục công trình.
Cụ thể: dịch chuyển vị trí nhà trẻ, dịch chuyển và phân bố lại phòng sinh hoạt cộng đồng, điều chỉnh chức năng “Căn hộ du lịch” sang chức năng “Khách sạn” nhằm mục đích tăng khả năng sử dụng thuận tiện các tiện ích công cộng cho cư dân dự án và phát huy tổ chức quản lý hệ thống khách sạn tốt hơn.
Tiếp đến ngày 28/4/2020, Sở QHKT Hà Nội có văn bản số 1970/QHKT-PAKT-KHTH về việc điều chỉnh bản vẽ phương án kiến trúc công trình thuộc dự án Honde City tại khu đất số 201 Minh Khai.
Có thể thấy chủ đầu tư dự án Hinode City liên tục xin điều chỉnh phương án kiến trúc. Và lần xin điều chỉnh này để hợp thức hóa cho những vi phạm tại dự án với hàng loạt thay đổi về thiết kế, công năng sử dụng.
Theo tài liệu của PV, tại phương án chấp thuận bản vẽ điều chỉnh phương án kiến trúc của Sở QHKT tại văn bản số 4928 (ngày 28/7/2017) nhà trẻ được bố trí ngay tại tầng 1 toà nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở (ký hiệu khối 01) với diện tích sàn sử dụng khoảng 443m2. Thì tại phương án điều chỉnh được Sở QHKT chấp thuận lần này tại văn bản số 1970 (ngày 28/4/2020), nhà trẻ tại tầng 1 khối 01 “biến mất” và được dịch chuyển sang tầng 1 với diện tích sàn sử dụng khoảng 138m2 và tầng 2 với diện tích sàn sử dụng khoảng 507m2 tại toà nhà chung cư (ký hiệu khối 03).
Dự án Hinode City chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…chủ đầu tư cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật. |
Khu vực sinh hoạt cộng đồng trước đó được bố trí ở tầng 4 Toà nhà hỗn hợp khối 01 với diện tích sàn khoảng 199m2 và tầng 6-10 với diện tích sàn sử dụng khoảng 191m2/tầng tại toà nhà chung cư (ký hiệu khối 02). Ở lần điều chỉnh mới diện tích sàn sử dụng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 4 khối 01 với diện tích sàn sử dụng khoảng 377m2; tầng 6-10 khối 02 không còn bố trí chức năng sinh hoạt cộng đồng chỉ bố trí chức năng căn hộ ở, thương mại dịch vụ, văn phòng và khu kỹ thuật phụ trợ. Khu vực sinh hoạt cộng đồng dịch chuyển sang tầng 4 toà nhà chung cư khối 02 với diện tích khoảng 359m2 và khoảng 287m2 tại tầng 4 toà nhà chung cư khối 03.
Vừa chạy quy hoạch vừa bán nhà vẫn cho dân vào ở
Tại thông báo Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp xem xét đề nghị điều chỉnh một số hạng mục công trình thuộc dự án Honde City, đồng ý chủ trương đề xuất cho phép Vietracimex điều chỉnh các hạng mục công trình với nhiều yêu cầu cụ thể. Trong đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến thống nhất, đầy đủ của khách hàng đã ký Hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo tránh đề xảy ra khiếu kiện (Chủ đầu tư phải cam kết thực hiện). Còn đối với các căn hộ chưa bán, phải công khai, thông tin đầy đủ cho khách hàng về phương án điều chỉnh nêu trên.
Đến ngày 31/12/2019, UBND phường Minh Khai có báo cáo về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tại văn bản nêu trên.
Đáng chú ý, theo báo cáo, hết thời gian niêm yết công khai, thời hạn lấy ý kiến khách hàng và nhân dân qua hình thức đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, UBND phường Minh Khai không nhận được ý kiến phản ánh của khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư mua căn hộ của dự án qua các hình thức: trực tiếp, đơn thư phản ánh và thông qua số điện thoại của UBND phường.
dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch thì chưa thể nghiệm thu công trình. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý. |
Báo cáo cũng cho biết, chủ đầu tư dự án Vietracimex khẳng định đã tổ chức lấy ý kiến khách hàng bằng nhiều hình thức và không nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi của khách hàng quan tâm đến dự án.
Cũng phải nói thêm rằng, trong khi các cơ quan chức năng đang thực hiện việc điều chỉnh, dự án đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng sai giấy phép xây dựng, chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…thì chủ đầu tư dự án lại cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, nếu dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch thì chưa thể nghiệm thu công trình. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý.
Liên quan đến dự án, năm 2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội.
Theo TTCP, nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng thuê làm trụ sở làm việc và nhà xưởng. Đến năm 2011 UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện đất để thực hiện dự án.
Tại kết luận thanh tra, TTCP chỉ rõ chủ đầu tư còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 17/9/2012, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất dự án là gần 475 tỷ đồng, nhưng đến ngày 28/2/2017 chủ đầu tư mới nộp đủ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TTCP cho biết, theo báo cáo giải trình của UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư, trong thời gian thực hiện dự án Hinode City, chủ đầu tư đồng thời ứng trước vốn để đầu tư xây dựng 1.050 căn hộ tái định cư thuộc dự án Khu tái định cư, công viên cây xanh và trung tâm thể dục tại phường 12, quận Bình Thạnh và 1.570 căn hộ tái định cư (khu 2) thuộc khu dân cư 38,4ha, phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Đến nay cả 2 dự án trên đã hoàn thành và bàn giao cho UBND TP.HCM nhưng ngân sách thành phố vẫn còn khoảng 533 tỷ đồng (tiền của chủ đầu tư xây dựng hạng mục kỹ thuật toàn khu dự án Khu tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh) chưa thanh toán.
Vì vậy, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị xem xét, giải quyết không tính tiền chậm nộp số tiền hơn 143 tỷ đồng nêu trên theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Cũng theo TTCP, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Hinode City không đúng quy định.
Cụ thể, liên ngành gồm Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục thuế trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất đã đưa khoản chi phí kiểm định chất lượng phù hợp công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng thể chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không định quy định của Bộ Tài chính, với số tiền là hơn 25 tỷ đồng.
TTCP nêu rõ, trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế Hà Nội và chủ đầu tư dự án.
Vietracimex vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng trước đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty. Vốn là một người kín tiếng, ông Thăng được dư luận biết đến sau khi thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex khi Tổng công ty này được cổ phần hóa vào năm 2005. Năm 2016, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 111/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng trong việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng. Với cá nhân ông Võ Nhật Thăng, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietracimex, ông Thăng đã cố ý làm trái quy định của pháp luật”. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ xác định việc chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình thực hiện cổ phần hoá Tổng Công ty bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vietracimex đang hoạt động theo hướng kinh doanh đa ngành, hiện tại sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ. |
Bình Dương