Đây là một trong những góp ý của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên quan đến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, VNBA cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến. Từ đó, đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao
Hiện các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chiếm tới khoảng 70%-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-5-2021 đến thời điểm dự thảo thông tư có hiệu lực là rất lớn. VNBA cho rằng chắc chắn trong tương lai, nợ xấu sẽ tăng rất cao và tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn về thanh khoản, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.
Về thời điểm được cơ cấu lại khoản nợ, VNBA góp ý nên áp dụng cho số dư của khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 và quá hạn trước ngày thông tư sửa đổi có hiệu lực. Bởi việc đưa ra nhiều mốc thời gian làm khó cho tổ chức tín dụng theo dõi thực hiện, thanh tra, kiểm tra, chưa kể dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả một giai đoạn trước ngày 17-7-2021 (như dự thảo thông tư dự kiến áp dụng). Một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM… đã phải áp dụng Chỉ thị 15 trước khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 và phát sinh trước thời điểm 17-7-2021.
Đáng lưu ý, trong góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, VNBA cũng đề xuất cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay, thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Riêng đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng được phép: Hoãn trả nợ cho khách hàng cho đến hết 15 ngày, sau ngày công bố chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thực hiện trả nợ thông qua các hình thức như chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ.
Theo ghi nhận, thực tế hiện có nhiều khách hàng ở trong vùng dịch, không thể đến các tổ chức tín dụng để nộp tiền trả nợ. Đây là trường hợp bất khả kháng.