Một trong những nội dung mà 7 hiệp hội đại diện ngành hàng thực phẩm kiến nghị đến Thủ tướng là quy định kiểm nghiệm mẫu có thể khiến doanh nghiệp (DN) phá sản oan. Theo cộng đồng DN, từ ngày 1-1-2018, Thông tư 12/2017/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đã bỏ đi quyền đề nghị kiểm nghiệm lại của DN khi họ nghi ngờ kết quả kiểm nghiệm lần 1. Bởi trong nhiều trường hợp, DN có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tin rằng sản phẩm của mình đạt chất lượng nên muốn kiểm nghiệm lại. Trong khi đó, với quy định mới, cơ quan kiểm tra sẽ dùng ngay kết quả kiểm nghiệm lần 1 để yêu cầu DN tạm dừng lưu thông hàng hóa và tổ chức thu hồi sản phẩm đó trên toàn bộ kênh phân phối.
Lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, cộng đồng DN cho rằng hiện nay nhiều phương pháp kiểm nghiệm của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, các DN có thể bị phá sản nếu kết quả kiểm nghiệm có sai sót. Điều này cũng gây lo lắng cho nhà đầu tư. Do đó, các DN đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BKHCN theo hướng cho phép DN được đề nghị kiểm nghiệm lại như trước đây.
Trước đề nghị này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thừa ủy quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký văn bản trả lời nêu rõ DN có quyền khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, trong đó có kết luận về kết quả thử nghiệm mẫu. Theo ông Hải, quá trình lấy mẫu, mỗi mẫu được chia ra làm 2 đơn vị mẫu, 1 mẫu gửi thử nghiệm, 1 mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra, khi DN có khiếu nại về kết quả thử nghiệm thì mẫu lưu sẽ được sử dụng.
Tuy nhiên, văn bản trả lời trên chưa khiến cộng đồng DN yên tâm. Theo đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), quy định trước đây nêu rõ trường hợp DN không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu lần 1 có thể đề nghị thử nghiệm lại đối với mẫu lưu và kết quả thử nghiệm này mới là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. "Họ nói DN có quyền khiếu nại nhưng không nêu rõ trong quá trình này DN có được hoãn xử lý hàng hóa dựa theo kết quả kiểm nghiệm lần 1 hay không? Vì theo quy định mới, kết quả kiểm nghiệm lần 1 là căn cứ pháp lý để cơ quan kiểm tra xử lý mà không chờ đến khi có kết quả khiếu nại. "Khi quy định không rõ thì DN còn bất an. Bởi lệnh thu hồi hàng hóa gần như là án tử đối với DN. Nếu DN chết sẽ không còn cơ hội để khiếu nại" - vị đại diện này nói.
Trong khi DN sợ phạt oan thì cơ quan quản lý nhà nước lại lo "lọt lưới" hàng kém chất lượng, mất an toàn. Trong báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM gửi trung ương đã kiến nghị bổ sung, hướng dẫn cụ thể về quy định tạm giữ lô hàng trong quá trình phân tích tại phòng kiểm nghiệm. Thực tế thời gian qua, TP HCM đã gặp vướng mắc trong việc xử lý các lô hàng thực phẩm tươi sống. Khi có kết quả xét nghiệm không đạt thì hàng đã tiêu thụ hết. Do đó chỉ có thể xử phạt hành chính mà không thể tịch thu, tiêu hủy được. Cơ quan chức năng không dám giữ lô hàng vì nếu kết quả kiểm nghiệm đạt, chủ hàng sẽ đòi bồi thường vì hàng hóa giảm giá trị.
Mâu thuẫn trên xuất phát từ việc thiếu chế tài xử lý các trường hợp có tranh chấp trong những vụ việc xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trách nhiệm đền bù kinh tế khi sai sót xảy ra. Thời gian qua, hầu hết các DN bị phạt oan đều không được đền bù kinh tế.