Lo sợ trước những dấu hiệu bất ổn gần đây của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà đầu tư phương Tây đang đồng loạt quay lưng với các công ty Trung Quốc.
Hôm qua (5/10), đại diện của các quỹ Man Group, Soros Fund Management và Elliott Management đã đồng loạt nêu lên những lo ngại về triển vọng của các công ty Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại New York và châu Á. Trước đó vài tuần, quỹ đầu tư quy mô 59 tỷ USD Marshall Wace cảnh báo các cổ phiếu Trung Quốc đã trở thành tài sản "không thể đầu tư".
"Hiện chúng tôi đã dừng đổ tiền vào Trung Quốc", Dawn Fitzpatrick, giám đốc đầu tư tại quỹ Soros phát triển trong 1 hội thảo trực tuyến do Bloomberg tổ chức.
Theo dự đoán của Fitzpatrick, nhiều công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ sẽ sớm quay về Hong Kong. Mặc dù bà không nêu ra cái tên nào cụ thể, Alibaba, JD.com và Didi Global là 3 trong số các công ty Trung Quốc lớn nhất đang niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, 3 cổ phiếu này đứng trước áp lực rất lớn từ chiến dịch trấn áp các tập đoàn công nghệ lớn mà Chính phủ Trung Quốc ráo riết thực hiện.
Cổ phiếu Alibaba và JD.com giảm 33% kể từ giữa tháng 2 đến nay, trong khi cổ phiếu Didi giảm 47% kể từ khi lên sàn vào cuối tháng 6.
Chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 2,7% kể từ đầu năm đến nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12% của chỉ số MSCI World Index.
Những cuộc điều tra chống độc quyền chống lại các Big Tech, quyết định cấm các công ty gia sư kinh doanh vì lợi nhuận và chiến dịch thanh tra lại vấn đề an ninh mạng của các công ty đang niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chấn động. Giờ đây các nhà đầu tư đang đoán xem tiếp theo Chính phủ Trung Quốc sẽ có hành động gì.
"Nếu như bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán, không thể không quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Trung Quốc", CEO của Man Group – Luke Ellis nhận định. Theo ông, chiến dịch trấn áp lĩnh vực công nghệ và giáo dục đã khiến sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc giảm đi đáng kể so với 1 năm trước.
Ellis cho rằng nhà đầu tư cần phải khéo léo hơn. Kể cả tầm nhìn dài hạn (khoảng 10 năm) cũng không có nhiều ý nghĩa trong thế giới mà chính sách đột ngột thay đổi chóng mặt.
Dẫu vậy một số nhà quản lý quỹ lại nhìn thấy tiềm năng của thị trường Trung Quốc trong dài hạn. "Thị trường Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với các thị trường phát triển", COO Jon Gray của Blackstone nói. "Trung Quốc có văn hóa khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, có 1 chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân".
Hồi tháng 8, Paul Marshall, đồng sáng lập của Marshall Wace, nhận định nhiều khả năng trong tương lai các công ty Trung Quốc sẽ chỉ niêm yết tại đại lục. Với những diễn biến gần đây, có thể nói không nên đầu tư vào các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Tham khảo Bloomberg