Một đợt bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu bùng phát hôm 18/1 sau khi các nhà đầu tư tin rằng cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và có tới 4 lần tăng lãi suất trong năm 2022.
Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua sau khi các nhà đầu tư trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn thường lệ. Điều này dẫn tới việc thị trường chứng khoán đi xuống và làm trầm trọng thêm đợt bán tháo với cổ phiếu công nghệ.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 0,05 điểm phần trăm lên 1,82% do triển vọng lãi suất tiền gửi cao hơn và lạm phát kéo dài khiến các khoản thanh toán lãi suất cố định của chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn gắn chặt với các đợt tăng lãi suất của FED, đã tăng 0,07 điểm phần trăm lên 1,04%, mức chưa từng thấy kể từ tháng 2/2020.
James Athey, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Aberdeen Standard Investments, cho biết: "Có những suy đoán về việc FED đang xiết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ". Cụ thể, tâm trạng này được "kích động" bởi Jamie Dimon, CEO JPMorgan. Trong tuần trước, ông này tình cờ nói rằng lãi suất có thể tăng 6 tới 7 lần trong năm nay.
FED hạ lãi suất xuống gần bằng 0 kể từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ vượt 1% vào tháng 12, điều trái ngược hoàn toàn so với những dự báo trước đó.
Các nhà phân tích cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã dỡ bỏ dự báo lạm phát, tạo thêm động lực cho khả năng gia tăng lãi suất. BoJ, ngân hàng trung ương ôn hòa nhất trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cho biết rủi ro xung quanh dự báo lạm phát của họ đang ở phía cân bằng chứ không "nghiêng về phía giảm". Đó là cụm từ mà họ đã không còn sử dụng từ năm 2014.
Nhà phân tích Padhraic Garvey của ING cho biết sự thay đổi trong từ ngữ cho phép thị trường hình dung ra những thay đổi mà BoJ với chính sách tiền tệ của mình
Những thông tin này đã khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm. Stoxx 600 mất 1,2% trong khi cổ phiếu công nghệ trong bộ chỉ số này giảm 2,1%. FTSE 100 của London cũng giảm 0,7%.
Chứng khoán tương lai của Mỹ cũng đang giảm điểm mạnh. Nasdaq Futures, với chủ yếu là các cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đã mất 232 điểm, tương đương 1,48% vào lúc 20h theo giờ Hà Nội. Dow Jones Futures cũng mất 309 điểm, tương đương 0,87% trong khi S&P 500 mất 42,5 điểm, tương đương 0,91%.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang phải vật lộn với việc tăng trưởng doanh thu chậm lại sau khi hàng loạt vấn đề tác động lên nền kinh tế trong quý cuối cùng của năm. FactSet dự báo rằng các công ty trên S&P 500 sẽ chỉ có mức tăng trưởng khoảng 22% trong quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với con số 40% của quý trước đó.
Bên cạnh đó, một lo ngại mới tới từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất hiện sau khi các nhà chức trách Trung Quốc kiên quyết theo đuổi sách lược Zero Covid trong bối cảnh các đợt bùng phát diễn ra liên tiếp. Ngoài ra, sự hiện diện của biến thể Omicron ở Trung Quốc càng làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn bởi khả năng lây lan khủng khiếp của nó.
Tham khảo: FT