Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh (đã có 52/63 tỉnh thành có dịch-PV), tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã đề xuất các hộ gia đình cùng doanh nghiệp giết mổ tham gia thực hiện cấp đông thịt lợn để dự trữ.
Tuy nhiên, đề nghị này lại không được các doanh nghiệp mặn mà hưởng ứng. Ví dụ, tại Hà Nội số kho lạnh trên địa bàn tương đối đủ, nhưng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, công ty cũng đã nghĩ đến việc cấp đông thịt lợn, nhưng chưa tham gia vì còn nhiều lo lắng. Theo ông Dũng, điều khiến doanh nghiệp e ngại chính là vì người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh.
“Chúng ta cấp đông thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi, khác hoàn toàn khác dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh… vì không có vắc xin để phòng chống, nguy cơ lây lan nhanh. Ở góc độ doanh nghiệp, khi làm gì cũng phải nghĩ đến an toàn, hiệu quả. Hiệu quả nhưng không an toàn, chúng tôi cũng không làm. Cái doanh nghiệp cần không phải chỉ là hỗ trợ về tiền bạc mà cần bảo hiểm”, ông Dũng cho hay.
“Ai sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện cấp đông với số lượng lên tới hàng trăm tấn, thậm chí là hàng ngàn tấn?”, ông Dũng đặt vấn đề. Theo ông Dũng, để doanh nghiệp yên tâm tham gia cấp đông thịt lợn thì Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế phải xây dựng hướng dẫn các công đoạn, bao gồm: tổ chức giết mổ, bảo quản, lưu thông. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phải có chính sách bảo hiểm cho thịt lợn cấp đông.
“Vì có thể con lợn bắt ở Tuyên Quang, theo kiểm tra của Chi cục Thú y là sạch, an toàn nhưng vận chuyển qua Phú Thọ lại bị nhiễm dịch thì thế nào? Nếu không có quy định về mặt pháp lý, pháp luật để bảo vệ những người thực thi như chúng tôi, thì sẽ có mấy vấn đề xảy ra: Chúng tôi sẽ thành tội đồ, ai là người bảo vệ chúng tôi?" - ông Dũng lo lắng.
"Phải có các chế tài, có các văn bản pháp luật bảo vệ doanh nghiệp từ khâu thu mua, giết mổ, bảo quản, lưu thông. Trường hợp phát hiện dịch ở công đoạn nào, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ và hỗ trợ ra sao cũng cần phải rõ ràng”, ông Dũng nói.
Mặt khác, ông Dũng cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi. Bởi theo ông Dũng, nếu như mọi năm các ngân hàng tìm đến các doanh nghiệp này để mời chào vay vốn, thì nay các ngân hàng lại xếp nhóm đó vào nhóm rủi ro cao.
Là doanh nghiệp đang tham gia cấp đông thịt lợn, đại diện Công ty Vinh Anh (Hà Nội) cũng cho biết, riêng tiền điện, tiền thuê kho mỗi tháng công ty phải trả là 200 triệu đồng. Công ty này đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về giá cho các doanh nghiệp thực hiện chương trình này; được vay vốn với lãi suất ưu đãi và phải được giải ngân nhanh chóng.
“Hiện nay, công ty không còn tài sản để thế chấp, vì vậy chúng tôi mong được vay không thế chấp hoặc thế chấp bằng hàng hóa và thời gian vay tối thiểu là 9 tháng”, đại diện công ty Vinh Anh cho hay.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cũng chia sẻ rủi ro của doanh nghiệp khi tham gia cấp đông là chi phí cao, trong khi không biết khi nào thì có thể giải phóng hàng tồn kho?
Chính vì thế lãnh đạo Vissan đề xuất, Nhà nước phải xác định lãi suất cho vay bằng 0, tiến độ trả nợ ngân hàng phải trên cơ sở tiến độ giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Đồng thời Nhà nước cũng phải có cam kết về kênh tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp, có như vậy nhiều doanh nghiệp mới dám tham gia chương trình.