Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân tại công ty TNHH Gia Cát (Bình Dương), chia sẻ: “Nhận thông tin chuẩn bị trở lại làm việc tôi rất vui. Tuy nhiên, theo quy định phải tiêm vắc-xin sau 14 ngày mới được đi làm. Tôi còn thiếu vài ngày, nếu công ty hoạt động lại đủ điều kiện tôi sẽ trở lại làm việc”.
Anh Dương Văn Hảo, công nhân Công ty Nhung Xương (Bình Dương) cho biết, anh đã được tiêm vắc-xin nên giảm nỗi lo trong quá trình quay trở lại làm việc. “Chúng tôi đang hoạt động “3 tại chỗ”, Công ty vừa thông báo sẽ thay đổi mô hình. Nếu quay về nhà trọ, để thực hiện mô hình từ “nhà trọ xanh” đến “DN xanh”, tôi sẽ chấp hành tốt mọi quy định về phòng, chống dịch”, anh Hảo nói.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Pousung VN (KCN Bàu Xéo, Đồng Nai) cho biết, Công ty có trên 25 ngàn công nhân, và mới chỉ khoảng 30% số đó được tiêm vắc-xin mũi 1. Do vậy, nếu quy định người đã tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi (sau 14 ngày) mới được đi làm thì đến ngày 20/9, DN chưa đủ công nhân để sản xuất. Vì vậy, Công ty đã phải tính đến phương án dồn công nhân để cho các dây chuyền vận hành.
Cty Teakwang VN (Đồng Nai) cũng đang lên kế hoạch sản xuất trở lại. Điều khiến ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty băn khoăn là dù khoảng 80% người lao động đã tiêm ngừa, nhưng nếu quy định chỉ có người lao động ở “vùng xanh” được đi làm thì công ty sẽ thiếu lao động rất lớn.
Tương tự, ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Cty Fujisu VN cho biết, lượng công nhân của công ty này ở trong các khu vực bị phong tỏa là rất lớn. Nếu các phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân (TP Biên Hòa), nơi phần lớn công nhân của Công ty lưu trú, tiếp tục là “vùng đỏ” và phong tỏa kéo dài thì tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Công ty.
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều DN ở Đồng Nai bị thiệt hại nặng nề. Rất nhiều nhà máy đã phải đóng cửa vì không đảm bảo được phương án “3 tại chỗ” và rơi chủ yếu vào những DN sản xuất giày do đặc thù phải sử dụng nhiều lao động.
Tuy nhiên, tại Đồng Nai vẫn có trên 1,2 ngàn công ty đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanh, dù chỉ đạt khoảng 30% công suất, chủ yếu đây là các nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa, cần ít lao động. Do đó, người lao động tiếp tục sản xuất vẫn đảm bảo 5K và hạn chế được dịch bệnh lây lan vào trong các nhà máy.