Mở đường bay với quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh
Từ ngày 1/4, Vietnam Airlines chính thức khai thác thường lệ 4 đường bay thương mại quốc tế, với tần suất 1-2 chuyến mỗi tuần, gồm: Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản), Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney và TPHCM - Sydney (Úc). Trước mắt, hãng mở bán vé thương mại với khách từ Việt Nam đi theo điều kiện nhập cảnh quốc gia tới, gồm người Việt đi học tập, lao động, thăm thân ở nước ngoài, người nước ngoài từ Việt Nam về nước.
Với chiều về Việt Nam, chưa mở bán vé tự do, hãng chỉ chở khách về theo chỉ tiêu phân bổ của cơ quan chức năng dưới hình thức chuyến bay hồi hương và chuyên gia.
Với bay chở khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam, ngày 25/3 vừa qua, Cục Hàng không phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện thí điểm 1 chuyến bay thương mại từ Đài Loan (Trung Quốc) về Đà Nẵng. Tất cả 200 hành khách về được thí điểm theo điều kiện nhập cảnh của ngành y tế, cách ly tập trung tại khách sạn và tự trả toàn bộ chi phí. Đây là chuyến bay thí điểm bán vé thương mại thứ 3 chở khách về Việt Nam từ khi dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn hoạt động bay quốc tế (sau 2 chuyến thí điểm cuối tháng 9/2020). Ngay sau chuyến bay, Cục Hàng không đã họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất kế hoạch cho thời gian tới.
Những hành khách trên chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên thí điểm tháng 9/2020 nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: Phạm Thanh
Về phía hãng hàng không, các hãng khẳng định sẵn sàng nối lại ngay đường bay quốc tế thường lệ chở khách về Việt Nam khi được phép. Đại diện Vietnam Airlines cho hay, với 4 đường bay hãng mở lại, trước mắt chỉ chở khách từ Việt Nam đi, nhưng là bước chuẩn bị để đón khách về Việt Nam ngay khi được phép. Về nhân sự, hãng sẽ mua vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho toàn bộ nhân viên, ưu tiên trước mắt cho phi công, tiếp viên. Hãng cũng làm việc với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) để tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass (ứng dụng thông tin sức khỏe hành khách).
Chờ ý kiến cơ quan ngoại giao, y tế
Nói về “hộ chiếu vắc-xin” để đón khách quốc tế vào Việt Nam, Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT luôn ủng hộ các giải pháp để sớm nối lại đường bay quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, các chính sách áp dụng ra sao phải đợi ý kiến của cơ quan ngoại giao và y tế.
Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho hay, hãng luôn sẵn sàng để mở lại đường bay thương mại quốc tế ngay khi được phép. “Với việc vắc-xin phòng COVID-19 được tiêm trong nước và nhiều nước trên thế giới, thời điểm mở cửa đón khách quốc tế trở lại sẽ không xa”, ông Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, doanh nghiệp, giữa chính phủ các nước, để thống nhất quy định, tiêu chuẩn y tế, thủ tục nhập cảnh... Trước mắt có thể nối lại đường bay với 1 số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nơi người dân đã được tiêm vắc-xin như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Indonesia...
Lộ trình 3 bước tới “hộ chiếu vắc-xin”
Ngay sau chuyến bay thương mại thí điểm ngày 25/3, Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT phương án nối lại bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách về Việt Nam. Đề xuất này chia làm 3 giai đoạn, theo hướng nới dần điều kiện nhập cảnh và cách ly, tiến tới không phải cách ly khách nhập cảnh có “hộ chiếu vắc-xin”.
Theo Cục Hàng không, từ tháng 9/2021, nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” với khách nhập cảnh để không phải cách ly tập trung. Thời gian thực hiện cụ thể tuỳ vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau tiêm chủng. Giai đoạn này không hạn chế khách nhập cảnh, không yêu cầu cách ly tập trung. Chỉ cần khách có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có giấy chứng nhận đã tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19.
Sau khi nhập cảnh, khách phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và cách ly tại nhà từ 7 đến14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp khách không có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc không có giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày tại khách sạn có trả phí.
Trước khi áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, Cục Hàng không đề xuất, từ nay tới tháng 7/2021, chỉ thực hiện các chuyến bay trọn gói (combo) cho khách nhập cảnh là công dân Việt Nam. Khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, cách ly 15 ngày tại khách sạn và trả toàn bộ chi phí liên quan. Các chuyến bay trọn gói được thực hiện song song với các chuyến bay giải cứu công dân. Tần suất khai thác theo năng lực cách ly của cơ sở lưu trú tại các địa phương.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, nối lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Khách về Việt Nam, ngoài người Việt còn mở rộng với người nước ngoài. Giai đoạn này khách không cần xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay nhưng sau khi nhập cảnh vẫn phải cách ly tại khách sạn 15 ngày và khách phải trả toàn bộ chi phí liên quan. Dự kiến, có khoảng 24 chuyến bay/tuần với lượng hành khách cần cách ly 6-7 nghìn người mỗi tuần. Giai đoạn này vẫn thực hiện các chuyến bay trọn gói từ các thị trường khác ngoài 3 thị trường trên.
Trước đó, tháng 9/2020, Cục Hàng không từng xây dựng kế hoạch nối lại 6 đường bay thương mại quốc tế thường lệ đón khách về nước, trên cơ sở đồng thuận có đi có lại của các nước đối tác. Thời điểm đó, Bộ Y tế cũng dự thảo Quy trình nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế với khách nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại thường lệ. Tuy nhiên, sau sự cố nam tiếp viên làm lây dịch COVID-19 ra cộng đồng tại TPHCM, toàn bộ 2 kế hoạch trên đã phải tạm dừng.
Cần sớm ban hành chứng chỉ tiêm vắc-xin
TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (Vaba), cho rằng, từng bước nối lại đường bay thương mại quốc tế có sự kiểm soát là cần thiết để vực dậy doanh nghiệp hàng không và du lịch. "Giải pháp hộ chiếu vắc-xin để nối lại đường bay quốc tế rất khả thi trong giai đoạn hiện nay, vừa giúp các doanh nghiệp hàng không và du lịch phục hồi, vừa hỗ trợ nền kinh tế, tiến tới việc đi lại bình thường. Đây là giải pháp mang tính chủ động, có kiểm soát, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ nền kinh tế, song không chủ quan, cũng không bi quan. Qua đó cũng khẳng định được vị thế chủ động kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế của Việt Nam", ông Nề nói. Theo ông Nề, muốn áp dụng "hộ chiếu vắc-xin", Bộ Y tế cần sớm ban hành chứng chỉ tiêm vắc-xin và quy trình kiểm tra, nhập cảnh với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại.