Nếu không có giải pháp, các ưu đãi về thuế như hiện tại là vô nghĩa với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến mức độ "thiện chí đồng hành" của Việt Nam với cộng đồng nhà đầu tư và dễ bị gắn hình ảnh "đem con bỏ chợ''.
Trong báo cáo tác động của đề xuất xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư sau khi Việt Nam áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024, Bộ KH&ĐT chỉ rõ việc Việt Nam áp dụng đánh thuế 15% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư có doanh thu hằng năm 750 triệu Euro (tương đương hơn 800 triệu USD) thì các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư lớn như miễn thuế mà Việt Nam đang áp dụng sẽ không còn ý nghĩa; dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Bộ KH&ĐT cho biết, Hiện nay, chính sách ưu đãi về tài chính của Việt Nam tập trung vào 03 lĩnh vực: Ưu đãi về thuế TNDN, Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và Ưu đãi về tài chính đất đai. Trong đó, ưu đãi về thuế TNDN sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quy tắc tính thuế bổ sung thuế TTTC.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập gồm ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế, trong đó gói ưu đãi thuế TNDN cao nổi bật đối với một dự án gồm: thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Về cơ bản, điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế là phải đáp ứng tiêu chí về địa bàn ưu đãi, lĩnh vực ưu đãi, hoặc có quy mô lớn dựa trên vốn đầu tư kèm điều kiện về thời gian giải ngân, doanh thu hoặc lao động sử dụng.
Đặc biệt, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó bao gồm các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế TNDN tối đa là miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế trong 13 năm, và thuế suất ưu đãi 5% trong 37 năm, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của dự án.
Bộ KH&ĐT khẳng định, theo Nghị quyết 107/2023/QH15, Việt Nam đã chính thức áp dụng Trụ cột 2 với mức thuế TTTC 15% từ ngày 01/01/2024, theo đó ưu đãi thuế TNDN đang áp dụng tại Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa; dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Bên cạnh phương án trợ cấp bằng tiền, một số phương án khác có thể được cân nhắc như: áp dụng thuế suất thuế ưu đãi với mức 15% suốt đời dự án; khấu trừ thêm chi phí, hoặc ưu đãi các loại thuế khác (giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…).
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT khẳng định, các phương án này sẽ không mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh áp dụng Trụ cột 2 do việc áp dụng thuế TTTC sẽ tác động trực tiếp đến phương án tài chính của doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi theo thu nhập tại Việt Nam.
Đồng thời, số doanh nghiệp loại này tương đối nhiều, trong số đó nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư và lợi nhuận lớn (hàng tỷ đô la Mỹ). Trong khi đó, phương án ưu đãi các loại thuế khác là không đáng kể đối với tác động tài chính của thuế bổ sung theo cơ chế thuế TTTC.
Các hình thức như tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế cũng sẽ không có tác dụng hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp do về bản chất sẽ tác động vào thu nhập của doanh nghiệp và khi đó sẽ phát sinh thêm thuế phải nộp bổ sung theo công thức tính toán thuế suất hiệu quả (ETR) của thuế TTTC.
Theo Bộ KH&ĐT, mục tiêu thu hút vốn FDI của Việt Nam thời gian tới đầy tham vọng sẽ gặp thách thức rất lớn (giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD, 30 - 40 tỉ USD/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD, 40 - 50 tỉ USD/năm).
Đáng nói, khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức nhanh chóng, khó lường. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% ước tính của năm 2022. OECD cũng đưa ra dự báo kinh tế thế giới năm 2024 sẽ tăng trưởng chậm hơn 2023 với các nguy cơ về việc lan rộng các cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông, gia tăng lạm phát.
Bộ KH&ĐT khẳng định, trong điều kiện và bối cảnh mới, Việt Nam phải có chính sách đột phá để giữ chân nhà đầu tư chiến lược.
"Việc giữ nguyên ưu đãi cho các dự án đã cấp trước đó, về nguyên tắc sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư. Nhưng nếu không có giải pháp, thì mức ưu đãi này sẽ là vô nghĩa với họ (vì vẫn phải nộp mức chênh lệch tại quốc gia đặt trụ sở)", Bộ KH&ĐT lập luận.
Cơ quan này khẳng định: "Nếu không hành động nhanh, sẽ ảnh hưởng đến mức độ "thiện chí đồng hành" của Việt Nam với cộng đồng nhà đầu tư, dễ bị gắn với hình ảnh "đem con bỏ chợ".
Theo Bộ KH&ĐT, do bối cảnh thuế Tối thiểu toàn cầu, các ưu đãi miễn, giảm thuế hiện tại của nhà đầu tư lớn không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư "đại bàng" đang đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù số lượng các doanh nghiệp này không nhiều nhưng có tác động về kinh tế-xã hội lớn, có mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ đi kèm lên đến hàng trăm doanh nghiệp. Do đó, nếu không có chính sách giữ chân nhóm nhà đầu tư này thì sẽ tác động đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, thế giới, cũng như trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, việc ban hành chính sách là hết sức cấp bách để không gây xáo trộn quá lớn đối với môi trường đầu tư kinh doanh khi áp dụng thuế TTTC, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Chính sách này cần ban hành có hiệu lực ngay từ năm tài chính 2024, cùng thời điểm với chính sách áp dụng thuế TTTC.
Bối cảnh thế giới hiện tại có nhiều xu hướng đầu tư mới vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng rất cao như chip, bán dẫn… Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi đó, mà cần phải tận dụng cơ hội hiện tại, thông qua các biện pháp ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua để thu hút được các dự án đầu tư trong những lĩnh vực ưu tiên này về Việt Nam.
Để thu hút các nhà đầu tư mới, thì cần chính sách ưu đãi đột phá, cùng với nguồn ngân sách để thực hiện. Theo đó, tận dụng cơ hội nguồn thu bổ sung từ thuế TTTC để làm nguồn ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư với các chính sách tiên tiến, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm thu hút các dự án trên về Việt Nam.
Về phương thức hỗ trợ của Quỹ, Bộ KH&ĐT khuyến nghị chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp đạt tiêu chí, bao gồm hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Các khoản hỗ trợ đầu tư từ Quỹ mà doanh nghiệp được nhận không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về tiêu chí và đối tượng, Bộ KH&ĐT đưa ra 5 đối tượng thụ hưởng bao gồm: Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển; doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm và doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
Các doanh nghiệp nêu trên phải có dự án quy mô đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, có doanh thu 20.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời các doanh nghiệp này phải không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các tiêu chí về giải ngân.