Bỏ kiểm soát tín dụng
Chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua được điều hành theo hướng cố gắng tạo điều kiện chi phí thấp cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, phục hồi kinh tế. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cố gắng duy trì nền lãi suất thấp giúp doanh nghiệp kinh doanh cũng được thuận lợi hơn.
NHNN đã phải nâng lãi suất lên để đạt được các mục tiêu như: kiểm soát lạm phát và quan trọng hơn là giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cũng như ngăn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, các biến động trên thế giới nhìn chung rất tiêu cực và đã đến lúc không thể giữ được lãi suất và tỷ giá như trước nữa, bắt buộc phải nâng lãi suất lên để đạt được các mục tiêu như: kiểm soát lạm phát và quan trọng hơn là giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cũng như ngăn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) PGS. TS. Phạm Thế Anh, Việt Nam đã nâng lãi suất để tăng giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát rồi thì cần phải bỏ trần tín dụng đi, doanh nghiệp trong nước mới đỡ khó khăn. Vừa khống chế trần, vừa tăng lãi suất ngắn hạn, chắc chắn lãi suất đầu ra phải tăng lên nếu không có chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải loại bỏ can thiệp hành chính gây hệ lụy cho nền kinh tế. Mục tiêu cao nhất để kiểm soát lạm phát là kiểm soát cung tiền đặc biệt là tiền cơ sở chứ không phải kiểm soát tín dụng. Tín dụng là hoạt động phải tuân theo quy tắc thị trường, miễn là các ngân hàng tuân thủ được các chỉ tiêu an toàn với hệ thống của họ thì sẽ được tự do kinh doanh nguồn vốn đã huy động được. Đặc biệt trần tín dụng cần phải loại bỏ.
Nguyên nhân khiến thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng trần tăng trưởng tín dụng được cho là để kiểm soát lạm phát. Đây là công cụ rất dễ sử dụng, chỉ bằng một thông báo thì đã kiểm soát được các ngân hàng mà không cần làm gì thêm.
Cùng với đó có thể làm giảm chi phí với khu vực công, nghĩa là khi trần tín dụng đưa ra nền kinh tế, thì ở một số nước, dòng vốn ngân hàng sẽ đổ vào trái phiếu chính phủ. Đây như một loại thuế đánh vào hệ thống tài chính, không cho phép ngân hàng kinh doanh vốn đó theo giá tự do trên thị trường, mà phải chạy vào vốn trái phiếu chính phủ.
Ở những năm 1970-1980s, một số nước trên thế giới dùng công cụ này. Tác động của việc áp dụng trần tín dụng ảnh hưởng đến nền kinh tế trước hết là ngân hàng kém cạnh tranh, dù ngân hàng tốt hay xấu đều được hạn mức tăng trưởng, không thị phần của ai bị giảm sút. Nghĩa là chỉ có một “miếng bánh” và ngân hàng nào cũng có phần, không được tăng quá mức dù cải thiện thị phần đến đâu cũng không có nhiều tác dụng khi bị vướng trần cho vay.
“Ngoài ra, khi không không chế được cung tiền thì khống chế bằng tăng trưởng tín dụng , đồng thời nắn dòng vốn ngân hàng vào trái phiếu chính phủ và giảm đầu tư ở khu vực tư nhân. Thậm chí việc áp dụng trần tín dụng còn gây ra hậu quả là dòng vốn có thể trá hình sang dạng khác. Thay vì ngân hàng huy động cho vay với doanh nghiệp thì phát triển ở thị trường cho vay “chợ đen”. Ngay cả khu vực chính thức, ngân hàng vẫn có thể luồn lách để lách trần tín dụng này. Sau đó kéo theo các can thiệp hành chính khác như dịch chuyển tài sản trong nước ra nước ngoài.
Những quốc gia nào còn sử dụng trần tín dụng thường là những nước chịu sự điều tiết cao, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước về mặt hành chính, hệ thống ngân hàng thiếu cạnh tranh, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường vốn kém phát triển và có kiểm soát dòng vốn ra. Đây là đặc điểm của những nước thực hiện kiểm soát trần tín dụng và Việt Nam có gần như tất cả các đặc điểm này”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nói.
Ông Phạm Thế Anh cũng phân tích thêm, nếu nhìn vào tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây dù đã giảm dần so với giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên tiền cơ sở thì không hề giảm, do vậy đây có thể là một trong những lý do mà NHNN Việt Nam áp dụng trần tín dụng vì lo ngại lạm phát khi khó kiểm soát tiền cơ sở.
Một lý do nữa là hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn tồn tại rất nhiều ngân hàng yếu kém. Để hỗ trợ những ngân hàng này tồn tại, họ phải dùng chỉ tiêu tín dụng áp với từng ngân hàng, còn nếu thả ra, có thể những ngân hàng này không thể tồn tại trên thị trường.
“Về khuyến nghị, chúng ta cần kiểm soát được tăng trưởng cung tiền đặc biệt là tiền cơ sở. Sau đó là điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu, hạn chế can thiệp vào các công cụ hành chính kể cả trần lãi suất.
Tựu trung lại, bức tranh tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam có rất nhiều rủi ro trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Chưa kể hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều vướng mắc, cản trở ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng chung trong dài hạn”, vị chuyên gia đánh giá.
Doanh nghiệp cần bơm vốn
Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược (NHNN) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đang nổi lên sự mâu thuẫn giữa kiểm soát lạm phát qua việc sử dụng hạn mức tín dụng, với việc cần hỗ trợ khẩn cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu vốn của nền kinh tế đang rất lớn trong khi ngân hàng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng
Nếu theo đuổi mục tiêu lạm phát thì việc kiểm soát nguồn cung vốn cho nền kinh tế sẽ bị hạn chế, dẫn đến khó thúc đẩy tổng cầu và đầu tư vốn cho phát triển. Ngược lại, tăng trưởng nhanh về vốn để thúc đẩy phục hồi kinh tế thì cũng có thể dẫn tới đe dọa về lạm phát. Trong khi kênh chuyển tải của chính sách tiền tệ gồm kênh lãi suất, kênh tín dụng, kênh giá tài sản thì sử dụng công cụ hạn mức tín dụng là mạnh mẽ, trực tiếp nhất đối với cung vốn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, nhu cầu vốn của nền kinh tế đang rất lớn trong khi ngân hàng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Hay nói cách khác, có hiện tượng khan vốn, có thể dòng tiền trong dân cư đang chảy vào những kênh khác, trong đó có vàng và ngoại tệ mạnh.
Trong khi doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu. Đặc biệt, một nguồn tiền khác là chi tiêu công lại không đẩy ra được. Minh chứng rõ nhất là gần 900.000 tỷ đồng ngân sách đang "nằm yên" trong ngân hàng cho thấy lỗi của sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công đến từ nhiều phía. Như vậy, nền kinh tế và doanh nghiệp đang khó khăn về vốn và khả năng thanh khoản.
“Do đó, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trước hết, lạm phát của Việt Nam không quá cao. Với nền kinh tế tăng trưởng cao như vậy, cần xem lại việc đặt chỉ tiêu lạm phát ở mức 4%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 7-8% thì lạm phát khoảng 5% không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Như vậy, nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt thì nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm để vừa bơm tiền cho nền kinh tế, vừa hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho những năm sau”, ông Phạm Xuân Hoè khuyến nghị.