Vừa qua, tất cả 6 người bị ngộ độc cá nóc mít ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đều đã được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho xuất viện về nhà. Dù nhiều thông tin về độc tố chết người trong cá nóc mít được nói đến nhưng dường như còn không ít người vẫn chủ quan.
“Đã tởn tới già”
Phóng viên Báo Hậu Giang đã đến tìm gặp các gia đình sau khi nạn nhân được xuất viện. Trong 6 trường hợp bị ngộ độc thì anh Đặng Văn Tính, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng là nặng nhất và anh cũng là người sau cùng được xuất viện về nhà.
Bây giờ, khi đặt dớn có cá nóc mít người dân ở ấp Long Phụng A rất sợ không dám ăn nữa.
Chị Huỳnh Thị Thía, vợ anh Tính kể: “Những tưởng anh ấy đã không qua khỏi khi hôn mê gần 2 ngày và bác sĩ bảo rất nguy kịch, chết não. Gia đình thật sự lo lắng, may mà anh đã bình phục”. Tránh được nguy hiểm đến tính mạng nhưng sức khỏe anh Tính vẫn còn rất yếu, trong khi anh là lao động chính trong nhà. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Bị ngộ độc lần này cuộc sống lại càng khó khăn hơn.
Những năm qua, loài cá nóc mít cực độc vẫn được một số người dân miền Tây đánh bắt và chế biến làm thức ăn và đã có không ít vụ ngộ độc đau lòng xảy ra. Ảnh: IT.
Trải qua cơn thập tử nhất sinh, điều đầu tiên anh Tính chia sẻ với chúng tôi là không dám chủ quan ăn cá nóc mít nữa. Anh Tính kể: “Thật sự, trước đó tôi cũng nghe nói có người bị ngộ độc vì cá nóc mít, nhưng thật sự chưa nhìn thấy tận mắt nên chủ quan. Nhiều năm qua mình vẫn ăn cá này mà đâu có ngộ độc. Nhà đặt dớn cũng hay có loại cá này rồi đem kho lạt để ăn. Lần này chắc là lần cuối ăn cá nóc mít, tởn tới già”.
Không chỉ có anh Tính mà từ vụ ngộ độc 5 người nhậu với canh chua cá nóc mít lần này là bài học cho cả xóm, ai cũng bảo là không dám ăn cá nóc mít vì sợ bị ngộ độc như vậy. Ấp Long Phụng A giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nên vẫn còn rất nhiều loại cá, trong đó có cá nóc mít.
Ông Nguyễn Ngọc Lẹ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Long Phụng A, cho biết: “Cá nóc mít có nhiều nhất ở đây từ tháng 6-11, mùa này có nhưng ít hơn. Ở xóm này, nhiều nhà có đặt dớn để bắt cá ăn hay bán hàng ngày, cũng thường có cá nóc mít nhưng không nhiều như dớn của những người bị ngộ độc ăn, đến gần 1kg cá nóc. Nhiều năm trước cũng có trường hợp ngộ độc ở các địa phương lân cận nhưng có lẽ qua nhiều năm người dân lại chủ quan”. |
Theo ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang, người dân đã quá chủ quan bỏ qua lời cảnh báo của mọi người về nguy cơ ngộ độc khi ăn cá nóc mít.
Sau 2 ngày xảy ra vụ ngộ độc ở Hiệp Hưng, thì tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, lại có một trường hợp cố tình ăn cá nóc mít và ngộ độc. Đó là trường hợp của ông Lê Thanh Tâm, ấp Mỹ Quới B, trong bữa ăn sáng gồm 8 con cá nóc mít nấu cháo (cá nóc được ông Tâm đặt dớn dưới sông bắt được).
Bất kể người nhà và hàng xóm có can ngăn, cảnh báo rằng báo, đài có đưa tin về vụ ngộ độc do ăn cá nóc tại xã Hiệp Hưng vào ngày 7-3, có người nhập viện cấp cứu, nhưng ông Tâm vẫn cố tình ăn. Sau đó, ông Tâm có triệu chứng tê lưỡi, tê môi, buồn nôn, nôn, mệt, khó thở. Gia đình đã đưa ông Tâm nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, sau đó đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chữa trị”. Kết quả xét nghiệm cả hai mẫu cá nóc có chứa chất độc Tetrodotoxin.
Tuyệt đối không ăn cá nóc mít
Tuyệt đối không ăn cá nóc mít là cách tốt nhất để tránh bị ngộ độc. Ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Theo tài liệu của Cục An toàn thực phẩm khi ăn cá nóc tỷ lệ tử vong rất cao đến 50%. Cá nóc ở Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ...".
Cận cảnh 1 con cá nóc mít-loài cá độc do người dân đặt dớn bắt được ở sông. Ảnh: IT.
Cũng theo ông Lê Văn Khởi, mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Về hình dạng, loài cá cá noc mít có thân ngắn từ 4-20cm, chắc, có nhiều màu sắc, da cứng ráp, vây ngắn. Đầu to, mắt lồi, không có vẩy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai, bụng cá to. "Chất độc tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng, vì vậy cá cái độc hơn...”, ông Khởi phân tích.
Cũng theo ông Khởi, chất độc Tetrodotoxin là chất độc thần kinh, rất độc, tử vong cao, Tetrodotoxin không phải là proteine, tan trong nước, không bị phá hủy, khi nấu chín hay phơi khô, sấy, độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 1000C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 2000C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.
"Nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc mít vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Còn khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc. Khi ăn cá đã chết, chất độc đã ngấm vào thịt thì nguy cơ ngộ độc cao..", ông Lê Văn Khởi. |
Ngoài cá nóc, người dân miền Tây vẫn có nguy cơ ngộ độc khi ăn một số loại động thực vật khác, chẳng hạn thịt con cóc. Theo khuyến cáo của ông Khởi, chất độc ở cóc chỉ có ở nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng), trong cơ cóc (thịt cóc) không có chất độc. Chất độc trong tuyến mang tai, gan và trứng có lượng độc tố rất cao, các chất độc như: Bufogin, Bufotalin, Bufotoxin, Bufotenin…
Khi ăn thịt cóc bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, huyết áp cao, nhịp tim nhanh. Bufotenin có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách, nếu nặng gây ức chế trung khu hô hấp và dẫn tới ngừng thở, tử vong.
Từ tháng 6 đến tháng 11 là cao điểm xuất hiện cá nóc mít-loài cá cực độc ở miền Tây. Người dân đi đặt dớn bắt cá thường bắt được không ít cá nóc mít. Ảnh: IT.
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm cóc thời gian qua cũng là do người dân thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả gan và trứng; không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố lẫn vào cơ cóc, nên ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây ngộ độc.
Tiệc nhậu...nhớ đời
Ngày 7-3, trong một tiệc nhậu tại hộ gia đình ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, xảy ra vụ ngộ độc cá nóc mít, tất cả có 7 người ngồi nhậu với cá nóc nấu mẻ và rau ngò gai. Những người ngộ độc cá nóc mít gồm: ông Trần Văn Tình, 37 tuổi; ông Trần Thanh Sơn, 36 tuổi; ông Trần Văn Tuấn, 42 tuổi; ông Trần Văn Ái, 44 tuổi; ông Đặng Văn Tính, 42 tuổi; ông Phạm Văn Được, 51 tuổi; ông Phạm Bá Nha, 55 tuổi. Có 5 người bị ngộ độc và được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục điều trị.
Từ các vụ việc đã xảy ra, mới đây, trong công văn khẩn của UBND tỉnh Hậu Giang gửi các đơn vị, địa phương, đã yêu cầu Sở Y tế khẩn trương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang, cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng, đặc biệt tuyên truyền người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm có chứa độc tố như cá nóc, con cóc, nấm độc, động thực vật độc…