Nếu trước đây, loại cây này mọc đầy vườn nhà hoặc trên nương rẫy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mọi người thường nhổ cho nhau thì hiện nay lại được rao bán với giá gần triệu đồng/kg nhưng khách vẫn đặt mua tới tấp.
Chị Trần Thị Hải ở Khoái Châu, Hưng Yên gần đây liên tục rao bán các loại lá cẩm khô sấy lạnh, được nhiều khách khen ngợi cũng như tò mò đặt hàng.
Chị Hải cho biết, một lần vào dịp Tết Nguyên đán, chị lên Yên Bái chúc Tết nhà bác ruột ở trên đó. Thấy bác đồ xôi ngũ sắc có màu rất lạ và đẹp mắt như màu tím, màu vàng, màu đỏ nên chị rất tò mò hỏi bí quyết. Nào ngờ bác chỉ ra ngay những cây lá cẩm trồng trong vườn nhà.
“Quá thích thú nên mình đã xin một bó gồm 3 loại cây lá cẩm như cây cẩm tím, cây cẩm vàng và cây cẩm đỏ về Hưng Yên trồng trong vườn nhà. Loại cây này dễ trồng lắm, trồng nơi đất tơi xốp và ẩm là sống. Thậm chí, chỉ cần giâm cành xuống đất, tưới nước mỗi ngày; sau một tuần là cây có thể nảy chồi. Chăm sóc tốt thì sau 45 ngày, cây đã có thể cho thu hoạch lá”, chị Hải kể.
Cây lá cẩm được trồng nhiều ở vườn nhà |
Vào mùa đông thường không có lá cẩm tươi |
Từ vài cây lá cẩm mang về trồng, sau 1-2 năm, chị Hải nhân rộng thành cả vườn lá cẩm. Biết nhà chị có vườn lá cẩm nhiều màu nên hàng xóm liền sang xin về đồ xôi, làm thạch, làm bánh chưng. Dùng không hết, chị còn cắt mang ra chợ bán và rất nhiều người mua, nhất là vào sát ngày Rằm, mùng 1.
Sau đó, nhiều quán bán xôi chè, bánh ngọt, bánh chưng trên địa bàn thường đặt mua lá cẩm tươi, lá cẩm khô nhà chị, vì thế chị trồng nhiều lên. Do loại cây này sinh trưởng mạnh vào mùa xuân hè, còn mùa thu thì bắt đầu rụng lá và mùa đông cây hầu như không còn lá nên chị Hải thu hái lá cẩm tươi phơi khô rồi ép lạnh để bán online.
Cây lá cẩm được coi là cây nhuộm màu thực phẩm, với 3 màu chính là cẩm đỏ, cẩm tím, cẩm vàng. Với người trồng cẩm lâu năm, chỉ cần nhìn hoa văn trên mặt lá hoặc nhìn hình dạng, màu sắc của lá và hoa sẽ phân biệt được màu của từng loại cẩm.
Để thuận tiện di chuyển cho khách ở xa, người trồng thu hái lá cẩm rồi sấy khô ép lạnh |
Lá cẩm khô mua về chỉ việc đun lấy nước rồi nhuộm màu cho thực phẩm, sẽ được màu rất đẹp cho xôi |
“Chẳng hạn như cây cẩm đỏ có lá hình bầu dục, gốc lá thon, xanh đậm, nhiều lông, mặt trên không có bớt trắng, dịch chiết ra có màu đỏ. Còn cây cẩm tím có lá hình bầu dục, gốc tròn hay thon, xanh đậm, dày, ít lông, ít gặp đốm trắng ở dọc gân lá, dịch chiết ra có màu tím. Riêng cây cẩm vàng có lá hình trứng, gốc lá thon, đầu lá thon nhọn, hai mặt có lông, phiến lá thường nhăn nheo, đặc biệt là mép lá, dịch chiết ra có màu vàng xanh”, chị Hải chỉ cách phân biệt.
Những năm gần đây, lá cẩm các màu được bà nội trợ dùng để tạo màu thực phẩm tự nhiên cho nhiều món ăn ngon và hấp dẫn, như bánh, thạch, kem, chè, xôi, thậm chí cả bánh chưng và nhiều món khác.
Chị Hải chia sẻ, trước đây chị thường bán lá cẩm tươi. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển cho khách ngoại tỉnh, nhiều lần lá bị hỏng và rụng vàng nên khách phàn nàn. Do vậy, chị nghĩ ra cách thu hái lá cẩm, sấy khô rồi đóng túi juyp tiện sử dụng, bảo quản và vận chuyển. Một túi chị đóng 100 gram, giá 80.000 đồng.
Một bầu cây lá cẩm có giá bán 20.000 đồng |
“Nhiều người, đặc biệt là những bà nội trợ thành phố, thích chế biến món ăn cầu kỳ thường rất chuộng sử dụng lá cẩm nhuộm màu cho thực phẩm hoặc chế biến các loại thức ăn. Loại lá này không độc hại, dùng tạo màu tự nhiên rất đẹp nên họ thường đặt mua mỗi loại lá cẩm một túi về dùng dần”, chị Hải nói.
Theo chị, một túi lá cẩm khô sấy lạnh có thể nấu được 10kg xôi. Nếu muốn lên màu tím đậm Huế, khách ngâm đậm đặc hơn. Còn nếu muốn lên màu tím hồng thì pha màu nước nhạt.
Ngoài bán lá cẩm khô sấy lạnh, chị Hiền còn bán cây giống cẩm tím, đỏ, vàng, hoa đậu biếc cũng được nhiều khách ở khắp các tỉnh thành mua. Thông thường, một bầu gồm 6 cây cẩm tím, đỏ, vàng có giá 20.000 đồng/bầu. Bầu hoa đậu biếc gồm 3-4 cây, có giá 10.000 đồng/bầu.
Thảo Nguyên