Vị trí số 1 toàn cầu về xuất khẩu
Trong những năm gần đây, cây quế không chỉ được xem là “vàng xanh” của rừng mà còn trở thành trụ cột kinh tế cho nhiều địa phương miền núi tại Việt Nam. Nhờ giá trị xuất khẩu cao và vai trò trong bảo vệ môi trường, cây quế đang được phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế dẫn đầu thế giới, giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm. Từ năm 2021, Việt Nam chính thức vươn lên vị trí quốc gia xuất khẩu quế số 1 thế giới, chiếm khoảng 34,4% thị phần toàn cầu trong năm 2023.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất, nhập hơn 38.000 tấn quế Việt Nam (chiếm 42,6%), tiếp theo là Hoa Kỳ (11,4%), Bangladesh (6,2%) và nhiều thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu.
Hiện nay, diện tích trồng quế tại Việt Nam liên tục tăng mạnh nhờ giá thị trường và chính sách hỗ trợ.
Tính đến năm 2023, diện tích trồng quế của Việt Nam đạt khoảng 180.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Yên Bái, Lào Cai, Quảng Nam, Thái Nguyên. Sự gia tăng diện tích này được thúc đẩy bởi giá quế tăng mạnh từ năm 2018, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất.
Quế được trồng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Cùng với yếu tố thị trường, các chính sách hỗ trợ trồng rừng và phát triển bền vững của các địa phương cũng góp phần quan trọng.
Tại Lai Châu, người dân tham gia trồng quế được hỗ trợ tới 20 triệu đồng/ha và nhận 12–13 triệu đồng mỗi năm từ dịch vụ môi trường rừng.
Lào Cai đặt mục tiêu phát triển 60.000 ha quế, trong đó 30.000–35.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ vào năm 2025. Thái Nguyên cũng tích cực hỗ trợ người dân trồng mới hàng trăm ha quế trên đất rừng phòng hộ.
Quảng Nam triển khai bảo tồn giống quế bản địa Trà My, hỗ trợ tới 5,5 triệu đồng/ha trong thời gian đầu.
Cây kinh tế và môi trường
Không chỉ có giá trị kinh tế cao, quế còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần chống xói mòn, cải thiện vi khí hậu. Nhờ khả năng sinh trưởng tốt ở những vùng đất dốc và nghèo dinh dưỡng, cây quế trở thành lựa chọn tối ưu trong các chương trình phục hồi rừng.
Quế là cây lâm nghiệp trồng có thể thu hoạch sau 6-7 năm. Đây là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, hiệu quả của cây quế được tận dụng triệt để: Cành, lá để chưng cất tinh dầu, vỏ quế làm thuốc chữa bệnh và gia vị, gỗ quế được sử dụng trong xây dựng...
Lợi ích kinh tế của cây quế đem lại là vượt trội so các loại cây lâm nghiệp khác, lại được doanh nghiệp thu mua tận nơi. Trên thị trường, sản phẩm từ cây quế thường sử dụng làm thuốc, gia vị, đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng, làm hương liệu để sản xuất nước hoa...
Nhiều địa phương như Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên đã tận dụng lợi thế này để gắn trồng quế với bảo vệ rừng và dịch vụ môi trường rừng. Một số mô hình trồng quế hữu cơ, kết hợp với cây bản địa, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại xã Đại Sảo (Bắc Kạn), nhiều hộ dân thu nhập 200–300 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn tùy thời điểm. Ở Định Hóa (Thái Nguyên), cây quế từ 12 năm tuổi có thể đạt giá trị 1,5–2 triệu đồng/cây, và sau 20 năm lên tới 3–4 triệu đồng/cây – gấp 3 đến 5 lần so với cây keo. Tại Chợ Đồn (Bắc Kạn), 1 ha quế 15 năm tuổi có thể đem lại 300–500 triệu đồng…
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, ngành quế Việt Nam cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế. Các địa phương cần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, áp dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật, và kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Hiện nay, cây quế đang khẳng định vị thế là một trong những ngành hàng nông – lâm nghiệp chủ lực, giúp người dân làm giàu, bảo vệ rừng và đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu.