Người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) thường gọi một giống chuối bản địa là chuối “cô đơn” và coi đây là thần dược.
Chuối "cô đơn", theo tiếng Thái là "Có liễu”. Giống chuối này cao lớn gấp 2-3 lần so với các giống chuối thường và vòng đời cũng lâu hơn.
Nhìn từ đằng xa, thì cây chuối "cô đơn" không khác gì loài chuối bình thường. Ảnh: Hồ Phương. |
Nó không mọc thành bụi hay đẻ nhánh mà chỉ độc một cây, chính vì thể dân bản địa gọi là chuối "cô đơn". Người dân trồng chuối bằng cách gieo hạt lấy từ quả của nó. Mỗi hạt phát triển thành một cây chuối cho đến khi ra hoa, kết quả và lụi tàn.
Chuối "cô đơn" được đồng bào Thái ở xã Tri Lễ coi như một loại biệt dược, chữa được nhiều bệnh. Người dân dùng cây chuối để chữa bệnh thấp khớp hay bán thân bất toại… Và đặc biệt là xử lý khi bị ngộ độc. Quả và hạt của cây chuối có thể ngâm với rượu để chữa các bệnh như nhức mỏi xương khớp, tăng cường sinh lực cho cánh mày râu.
Cây chuối "cô đơn" ở bản Cắm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Hồ Phương. |
Để chữa ngộ độc, người dân dùng bẹ chuối, thái mỏng, giã nhỏ và vắt lấy nước cho bệnh nhân uống. Đặc biệt, nó được cánh đàn ông trong bản tin dùng mỗi khi quá chén.
Người dân trong vùng cắt bẹ chuối cô đơn này để làm thuốc giải độc. Ảnh: Hồ Phương. |
Hoa của loài chuối này cũng khác biệt khác chuối thường, nó mọc theo hình vòng, và mỗi cánh hoa thường chỉ rụng xuống khi quả của nó bắt đầu chín. Mỗi buồng chuối thường không phân định được từng nải mà nó mọc rất khít, đan xen với nhau.
Hoa của loài chuối này khác hoàn toàn với loài chuối thường. Ảnh: Hồ Phương. |
Anh Hà Văn Tọa (SN 1976), trú tại bản Cắm, xã Tri Lễ (Quế Phong) cho hay: “Cả bản Cắm hiện chỉ có 4-5 cây. Giống chuối "Có liễu" được xem là một trong những loài ‘thần dược’ của người dân miền núi chúng tôi. Thậm chí nhiều người tin rằng nó giải được độc lá ngón. Tuy nhiên không ai dám liều lĩnh thử nghiệm".
(Theo Báo Nghệ An)