Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,24 tỷ USD, là năm thứ 2 vượt mốc 4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục vượt mốc 4 tỷ USD và phá kỷ lục của năm 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 51,3 nghìn tấn, tương đương 287 triệu USD. Đây là mức sản lượng và kim ngạch thấp nhất kể từ đầu năm. Giá xuất khẩu trong tháng 9 tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, nước ta xuất khẩu 1,1 triệu tấn, tương đương hơn 4,31 tỷ USD, giảm 11,7% về lượng nhưng tăng 37,8% về kim ngạch. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý.
Nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu cà phê sớm vượt mốc 4 tỷ USD và lập kỷ lục mới trong năm nay là nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Giá xuất khẩu tăng 56% so với 9 tháng đầu năm 2023, trung bình đạt 3.896 USD/tấn.
Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam khi top 3 đều thuộc về các nước trong khu vực này.
Trong 9T/2024, Đức tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 131,8 nghìn tấn, tương đương 481 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê sang Italia đứng thứ 2 thị trường, đạt 103,4 nghìn tấn, tương đương 353 triệu USD.
Tây Ban Nha là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, tăng 20% về lượng, tăng 88% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023, đạt 83 nghìn tấn, tương đương 339 triệu USD.
Ngoài top 3, nhiều thị trường cũng chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc, trong đó Trung Quốc đang là người mua rất tích cực cà phê của Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu 4.261 tấn cà phê sang Trung Quốc, tương đương 20,4 triệu USD, tăng 134,6% về lượng và tăng 143,7% về giá trị so với tháng 9/2023.
Kể từ đầu năm, nước tỷ dân đã chi 174 triệu USD để nhập 41 nghìn tấn cà phê từ Việt Nam, tăng 36,7% về lượng và tăng 72% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 4.234 USD/tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ.
Bà Wang Rui - Giám đốc bán hàng tại Suzhou Sudou International Trade Co tại Tô Châu, Giang Tô, nhận định nhu cầu cà phê tại Trung Quốc, đặc biệt là cà phê cao cấp, đã tăng đáng kể và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm.
Theo bà Wang, sự gia tăng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc phần lớn là do tốc độ đô thị hóa nhanh và lối sống thay đổi của thế hệ trẻ, những người bị thu hút bởi sự tiện lợi và các khía cạnh xã hội của văn hóa cà phê .
Bà Wang cho hay ngoài việc nhập khẩu hạt cà phê từ Brazil, Colombia, Ethiopia và Uganda, Suzhou Sudou đã mở rộng khối lượng mua hàng từ các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Ecuador và Mỹ trong những năm gần đây.
Về tình hình chung trên thị trường thế giới, sự gia tăng mạnh mẽ của giá cà phê thời gian gần đây đến từ nhu cầu ngày càng lớn đối với cà phê Robusta , trong khi nguồn cung lại khan hiếm do biến đổi khí hậu .
Robusta , loại cà phê chủ lực của Việt Nam với 94% diện tích trồng, trước đây thường có giá chỉ bằng 1/3 đến 1/2 Arabica. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá Robusta thậm chí đã vượt Arabica tới gần 1.000 USD/tấn. Điều này đã giúp Việt Nam hưởng lợi lớn dù sản lượng xuất khẩu giảm.
Với kết quả xuất khẩu tích cực đã đạt được trong 9 tháng, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cả năm nay đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.
Niên vụ 2023 – 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê , đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay với gần 5,43 tỷ USD. Dự báo trong niên vụ 2024-2025, ngành cà phê Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, gây khô hạn và sâu bệnh, dự kiến sản lượng giảm 5-15% so với vụ trước.