"Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" - những người Việt làm nông trên đất châu Phi đang ngày càng chứng minh điều đó, bằng những thành quả đáng ngưỡng mộ của mình. Một thành viên của team châu Phi, Đông Paulo liên tục chia sẻ những tín hiệu mừng từ nông trại. Không chỉ tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người bản địa, ông chủ trang trại này còn tích cực chia sẻ giống cây, "phổ cập" nhiều loại cây thuần Việt tại Angola.
Những bầu bí, rau muống, củ đậu, sắn... đã được anh đem về trồng, thuần dưỡng và đã cho thu hoạch. Điều thú vị là, những loại rau củ này bán khá đắt hàng, thương lái Angola rất ưa chuộng.
Mới đây, Đông Paulo khoe thành quả ở nông trại số 2, khi cà rốt và bầu đã đến kỳ thu hoạch. "Các chị thương lái bây giờ muốn mua hàng thì gọi điện đặt, anh em chúng mình mới nhổ lên rồi đem bán. Ở đây mùa này chợ khan hiếm cà rốt lắm, vì người dân không trồng được. Nông trại mình trồng trái mùa, chịu khó làm đất nên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, củ bóng và to, bán rất được giá".
Anh tiết lộ thêm, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, các trang trại thuộc team châu Phi vẫn trồng xen canh, gối vụ, chứ không bỏ hoang ruộng cả mùa như người dân bản địa. Vừa thu hoạch vừa làm đất, trồng mùa vụ mới, gần như thời điểm nào họ cũng có sản phẩm thu hoạch được.
Đặc biệt, nhóm chủ trang trại người Việt như Quang Linh Vlog, Đông Paulo, Linh Phillip đều ưu tiên trồng các loại cây thực phẩm, rau trái ăn hằng ngày. Chúng vốn là những loại cây khó trồng, hạt giống đắt ở Angola nên người dân không mấy mặn mà. Dù vậy, thị trường lại ưa chuộng, sức mua lớn. Do đó, họ không bao giờ chịu cảnh ế hàng.
Không chỉ cà rốt, Đông Paulo còn hái cả... lá bầu để ra chợ bán. Anh tiết lộ: "Hồi bé ở quê, những ngày đói mình vẫn thấy người ta hái lá bầu, ngọn bầu để nấu canh ăn. Mấy cái lá non và ngọn ngon ngọt không kém gì quả bầu. Giờ ở Việt Nam chắc không mấy người ăn, nhưng bán ở đây có khi lại thành đặc sản.
Ở Angola không có bầu đâu, chỉ trang trại người Việt mang giống sang mới có thôi. Lần trước bầu chưa ra quả nhưng lá nhiều, mình đã chủ động hái mấy nắm lá bầu để tặng kèm hàng cho các chị thương lái, dạy các chị cách ăn. Mấy chị vừa ăn vừa bán, ai ngờ dân thích quá nên dặn hái mang ra thêm. Nếu bán lá bầu làm rau mà được giá, bán chạy nữa thì lại có thêm nguồn thu rồi".
Anh chàng lém lỉnh cho biết thêm, tiện thể cắt lá bầu, anh cắt thêm đôi quả bầu đến "hối lộ" chị mối hàng. Anh cũng tận tình dạy họ cách ăn, mời họ ăn thử, với hy vọng thấy ngon, sau này họ sẽ thu mua cả lá và quả bầu ở trang trại.
Trong khi ông chủ trang trại Đông Paulo còn khá dè dặt, chỉ mang vài mớ lá bầu ra chợ, thương lái lại tỏ ra vô cùng hào hứng. Khi vừa nhìn thấy xe của anh đến, trên thùng chất lá bầu và cà rốt, các thương lái đã nhào đến xí phần. Xe còn chưa dừng hẳn, các chị đã giành phần lá bầu để bán.
Một số người khác thì tò mò sờ thử quả bầu, vì chưa từng thấy trước đây. Những người mua hụt tỏ ra tiếc nuối, dặn Đông Paulo lần sau ra chợ hãy cắt thêm nhiều lá bầu nữa, hứa sẽ mua hết.
Theo họ lý giải, ở Angola hiếm có rau lá xanh , các loại cũng không đa dạng. Những rau lá xanh của người Việt đem bán (thường là rau cải, rau bí) có vị ngọt, ăn mát nên khách hàng thích, thương lái bán khá nhanh.