Giống mít nặng tới 40kg này dường như vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người Việt. Ngoại hình "dài thượt" của nó khiến nhiều người bất ngờ.
Mít là loại cây ăn quả với kích thước quả của nó khi chín dường như lớn nhất trong số các loài thảo mộc. Thông thường, người Việt chúng ta quen thuộc với những quả mít có hình bầu dục, kích thước từ 30 - 60cm chiều dài, 20 - 30cm chiều rộng, vỏ xù xì, có gai nhỏ.
Thế nhưng, đôi khi chúng ta cũng bắt gặp những quả mít với kích thước ngoại cỡ, dài chừng 1 mét và kiểu dáng "dài thoòng" như bị đột biến. Vậy những quả mít này xuất phát từ đâu?
Theo tìm hiểu, đây là giống mít quả siêu dài nhập khẩu từ Malaysia. Nó có nhiều ưu điểm và phù hợp với nguồn đất cũng như khí hậu Việt Nam.
Đặc điểm của nó là quả khi chín cây rất dài và nặng. Cụ thể là mỗi quả có thể dài hơn 1m và nặng trung bình từ 25 - 40kg. Thông thường phải từ 2-3 người mới có thể khiêng được một quả mít như vậy.
Bên trong quả mít này có rất ít hạt và xơ. Trong khi đó, múi mít có hình dạng rất dài và dày, ăn giòn, thơm ngon.
Theo chia sẻ của một số người nuôi trồng, đây là giống mít cho hiệu quả kinh tế cao, sau khi trồng khoảng 2 - 3 năm đã có thể cho sai quả. Mỗi cây trung bình có thể cho hơn 200kg quả mỗi năm.
Cách đây vài năm, giống mít "siêu khủng" này từng gây sốt, khiến nhiều người săn lùng và tìm mua. Cho đến nay, mặc dù đã được nhiều người biết đến hơn, nhưng vẫn rất khó để tìm thấy mít Malaysia trên thị trường do khan hiếm.
Theo các tài liệu, cây mít được định nghĩa như một loại quả ngọt của xứ nhiệt đới. Ở vùng ôn đới, mít thường bán trong dạng đóng hộp với siro nhưng sau này ở Mỹ và châu Âu cũng cho nhập cảng mít tươi.
Các múi mít chín có thể ăn tươi, có vị rất ngọt do có hàm lượng đường như glucoza, fructoza cao (từ 10-15%). Ngoài dạng múi cơ bản, mít còn được chế biến bằng cách sấy khô hoặc cắt thành lát mỏng rồi chiên giòn.
Bên cạnh việc cho trái cây thơm ngon, mít còn là cây gỗ thuộc nhóm IV, đôi khi được sử dụng để sản xuất các dụng cụ âm nhạc như mộc cầm ở Indonesia. Còn ở Việt Nam, gỗ mít được chuộng dùng để đóng các tượng thờ.
(Theo Dân Trí)