Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 1 đã thu về 165 triệu USD, tăng gấp đôi so với tháng 1/2023. Các thị trường chính của cá tra đều ghi nhận mức tăng trưởng dương như Mỹ, Trung Quốc & Hong Kong (TQ), EU, CPTPP,…
Các sản phẩm cá tra chủ lực vẫn là phile đông lạnh, với giá trị đạt hơn 131 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 80% tỷ trọng.
Xét về thị trường , Trung Quốc & Hong Kong vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam trong tháng 1 với 52 triệu USD, tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023 và tăng 65% so với tháng 1/2022. Trị giá xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc & Hong Kong tháng đầu năm 2024 chiếm 32% trong tổng xuất khẩu cá tra sang các thị trường .
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm nay, cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị này thậm chí cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu phile đông lạnh - sản phẩm chủ lực sang thị trường này trong tháng 1/2023.
Xếp thứ 2 là thị trường Mỹ. Trong tháng 1/2024, Mỹ mua 18 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tăng nhập khẩu hầu hết các sản phẩm cá tra Việt Nam trong tháng đầu năm. Theo VASEP, sản phẩm cá tra chế biến mặc dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ còn khiêm tốn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này ghi nhận tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 295.000 USD. Thị trường này tiêu thụ hơn 17 triệu USD phile cá tra đông lạnh trong tháng 1/2024, tăng 81% so với tháng 1/2023.
Châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam. Khu vực này mua từ Việt Nam gần 13 triệu USD cá tra trong tháng 1, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hà Lan vẫn là quốc gia đứng đầu khối về tiêu thụ cá tra Việt Nam, với gần 4 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số thị trường trong khối cũng ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Hungary tăng gấp 4 lần, Tây Ban Nha, Pháp và Slovenia tăng khoảng 2,5 lần,...
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), sản lượng cá tra toàn cầu ước tính đạt 3,13 triệu tấn vào năm 2023 (tăng 0,5% so với sản lượng 3,11 triệu tấn năm 2022). Với 1,62 triệu tấn, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng cá tra , tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc. Dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023.
Cá tra của Việt Nam được mệnh danh là siêu thực phẩm bởi các công dụng quý báu với sức khỏe. Cá tra chứa nhiều omega-3, 6, 9, DHA và EPA, vitamin E... có lợi cho tim mạch, giúp phát triển trí não, hỗ trợ ngăn chặn lão hóa. Theo Hiệp hội Tim Mỹ, chất béo Omega 3 giúp bảo vệ cơ thể chống lại chứng rối loạn nhịp tim, từ đó giảm nguy cơ đột tử. Ngoài ra, Omega 3 còn giúp ngăn ngừa quá trình xơ cứng động mạch, giảm nguy cơ bị lão hóa não, tăng cường hoạt động của trí nhớ v.v... Cách bổ sung Acid Omega 3 và DHA đơn giản và hiệu quả nhất là bố trí bữa ăn có cá tra 2 - 3 lần/tuần.
Năm 2024, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra khi ngay từ thời điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích trữ hàng để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ của các khách sạn, nhà hàng, và ngành dịch vụ, du lịch. Theo VASEP, có nhiều cơ sở để cá tra có thể chạm đến mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2024 - tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.