Trong vai thương lái buôn bán mứt tết “3 không” đưa đi các tỉnh, chúng tôi đến một số khu vực chợ đầu mối lớn của TP.HCM như An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), chợ Thủ Đức..., giật mình vì chênh lệch giữa giá bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng và giá sỉ của các mặt hàng mứt tết “không nhãn mác” quá cao.
Người tiêu dùng bắt đầu đi chọn mua mứt tết 2018
Cụ thể, mứt me giá bán lẻ tại chợ là 220 ngàn đồng/kg, nhưng bỏ sỉ cho thương lái chỉ có 150 ngàn (chênh lệch đến 70 ngàn đồng/kg); mứt dừa giá lẻ 160 ngàn nhưng giá sỉ có 135 ngàn đồng; mứt gừng lát bán lẻ 120 ngàn đồng trong khi giá sỉ 80 ngàn đồng; mứt tắc giá bán lẻ 130 ngàn đồng, giá bỏ sỉ 90 ngàn đồng; mứt sen giá bán lẻ 150 ngàn đồng, giá sỉ 110 ngàn...
Ngoài ra, còn có các loại hạt như hướng dương, dưa, bí, hạnh nhân, điều, mắc ca… được các cơ sở kinh doanh hoặc nhập khẩu đóng gói từ 5-20kg có giá chênh lệch giữa bán lẻ và sỉ khá cao từ 40-60 ngàn đồng/kg.
Hỏi vì sao có mức chênh lệch quá cao giữa bán sỉ và lẻ của tất cả các loại mứt, hạt “không nhãn mác”, chị Lê Vy, một tiểu thương cấp 1 (còn gọi là nhà phân phối đi các tỉnh) ở chợ An Đông giải thích, thông thường các loại mứt không nhãn mác hiện nay nhập về từ 3 nguồn chính, một là từ các cơ sở kinh doanh; hai là, các hộ gia đình và sau cùng là nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc nên giá cả vênh nhau khá lớn.
“Thật ra các mặt hàng mứt trong chợ đều gọi chung là hàng xá, đựng trong các bao 50-100 kg, tùy theo nguồn gốc, nơi sản xuất mà có giá bán khác nhau. Hàng sau khi nhập về chợ đầu mối thì các nhà phân phối mới vô bao đóng gói lại, bỏ sỉ cho các bạn hàng đi các tỉnh, còn việc sau đó các thương lái ở tỉnh họ đóng gói chú thích, lấy tên của đơn vị, nhà sản xuất nào để bán cho người tiêu dùng là tùy”, chị Vy nói.
“Nếu hàng của Trung Quốc thì sao?” – Tôi hỏi.
|
Mứt tết năm 2018 vẫn phổ biến là hàng xá, bán cho người tiêu dùng đựng trong các bao nylon không rõ nguồn gốc, không nhãn hiệu |
“Năm nay các loại hạt, mứt của Trung Quốc cũng đổ về khá nhiều với đặc điểm là giá rẻ, nhưng người bán có thể đóng mác nói là hàng của Thái Lan, Sing, Mã Lai... hoặc ghi tên nhãn trong nước cơ sở A, địa chỉ B, để bán giá cao gấp 2-3 lần, bởi vì các cơ quan chức năng họ không tìm hiểu nguồn gốc mà chỉ kiểm tra trên hóa đơn xuất nhập hàng hóa, trong khi trên thị trường muốn hợp thức hóa hàng lậu thì mua bao nhiêu cái hóa đơn đỏ chẳng được”, chị Vy trả lời.
Chỉ riêng loại hạt dẻ và mắc ca của Trung Quốc và hạt dẻ, mắc ca của Úc, Mỹ có giá vênh nhau trên 100 ngàn đồng/kg, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì rất khó phân biệt. Bà Nguyễn Thu Vân, BQL chợ An Đông cho biết, hạt mắc ca của Úc giá 330 ngàn đồng/kg với đặc điểm dễ bóc tách và hạt to, trong khi của Trung Quốc chỉ có 200 ngàn, khó bóc tách cũng như hạt bé hơn. Tương tự, hạt dẻ của Mỹ có màu hơi vàng và to có giá 400 ngàn đồng/kg, còn hạt của Trung Quốc thì trắng nhưng nhỏ hơn có giá khoảng 310 ngàn. “Nói chung, thị trường loạn cào cào không dễ gì phân biệt, ngay cả hàng của Việt Nam trên cùng một loại hạt, mặt hàng mứt cũng có giá khác nhau”, bà Vân nói.
Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đến chợ Thủ Đức, được chị Bê là tiểu thương đon đả giới thiệu: “Mấy loại mứt này đều do nhà tôi tự làm. Tôi bán buôn lâu năm rồi, đồ nhà làm thì cần gì ghi thương hiệu hay hạn sử dụng. Cái này đảm bảo để được rất lâu, em cứ yên tâm mua làm quà tặng hay để ăn cũng được”.
|
Các loại hạt, “mứt sấy chân không” đang bán chạy cũng hầu hết là không rõ nguồn gốc |
Chúng tôi ghé vào một sạp bánh mứt khác trong chợ quan sát, thì thấy các mặt hàng tại đây cũng có mẫu mã và bao bì đóng gói tương tự như “mứt nhà làm” mà chị Bê giới thiệu. Một nhân viên đang bán hàng mứt tết giải thích thêm: “Em bán cho chủ chỉ biết giá cả thôi chứ nguồn gốc thì không rõ. Nhưng vệ sinh là đảm bảo, chưa thấy ai ăn mà ngộ độc hay bị gì đâu. Riêng hạn sử dụng thì muốn để bánh mứt này bao lâu tùy thích”.
Theo ghi nhận của chị Phạm Thị Ngọc (BQL chợ Thủ Đức), năm nay các loại hạt, mứt tết đa dạng, phong phú, được đựng phần lớn trong các bao bì các-tông “không thương hiệu” bung ra khá mạnh. Tập trung chính là các loại mứt gừng dẻo, me cam thảo, hạt bí, nho lớn, nho nhỏ, cà chua bi, mơ sữa, chanh cam thảo, dâu rừng, dâu tây, củ năng, ô mai, hồng treo, đào sấy chua ngọt, ô mai sấy chua ngọt, Kiwi sấy, cà chua sấy... Đặc biệt, các loại “mứt sấy chân không” bán khá chạy. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh, hộ gia đình cũng đưa ra thị trường nhiều “thương hiệu” mứt đóng hộp khá đẹp, bắt mắt, lịch sự, nhưng thực tế số mứt này được gom từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc.
Trong đó, có loại dù được giới thiệu sản xuất ở các cơ sở trong nước, kèm theo đó là giấy chứng nhận vệ sinh ATTP và giấy ghi tên sạp rõ ràng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của BQL chợ, các loại giấy tờ này được dùng cho nhiều lô hàng, sản phẩm khác nhau nên không có gì đảm bảo.
"Năm nào cũng vậy, sắp đến Tết Nguyên đán, bánh mứt kẹo luôn được người tiêu dùng quan tâm. Trong đó, mối nguy hại từ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP do nhập khẩu hay từ những cơ sở sản xuất thủ công không đảm bảo VSTP trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong ngâm, tẩm ướp hay tạo màu sắc bắt mắt... là một thực tế đáng lo ngại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng mứt tết, nhưng do mứt là mặt hàng rất đa dạng nên nói thật rất khó kiểm soát về chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng", một đại diện Chi cục QLTT TP.HCM thừa nhận.
|