Một bộ kít xét nghiệm nhanh xuất xứ Trung Quốc được các doanh nghiệp bán với 3 mức giá khác nhau.
Giá công bố điều chỉnh giảm liên tục
Tính đến ngày 23/8, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã có 7 lần cập nhật danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu.
Đi kèm danh sách này là thông tin về khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị cung ứng công bố. Đối chiếu giữa các lần công bố giá của các công ty, có thể thấy mức giá kít test nhanh nhập khẩu đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Giá bán bộ test “Humasis Covid-19 Ag Test” (Hàn Quốc) của Công ty TNHH Humasis Vina (TP.HCM) ngày 13/7 là 198.000 đồng/test thì ngày 23/8 chỉ còn 128.000 đồng/test (giảm tới 70.000 đồng/test). Đơn vị này nhập về theo giấy phép nhập khẩu số 5044/BYT-TB-CT của Bộ Y tế ngày 23/6/2021.
Giá bán loại “Standard Q Covid-19 Ag Test” (Hàn Quốc) của Công ty Cổ phần y tế Đức Minh (Hà Nội) ngày 13/7 là 198.000 đồng/test thì ngày 23/8 là 178.080 đồng/test. Đơn vị này nhập về theo giấy phép nhập khẩu số 4304/BYT-TB-CT ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế.
Giá bán “Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test” (Trung Quốc) do Công ty Cổ phần Á Châu (Hà Nội) bán ngày 28/7 là 109.200 đồng/test thì ngày 23/8 còn 79.800 đồng/test (giảm 29.400 đồng/test).
Giá bán chủng loại “Covid-19 (SARS-CoV-2) Antigen Test Kit (Colloidal Gold)” (Trung Quốc) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hùng Phát (Hà Nội) ngày 28/7 là 185.000 đồng/test thì ngày 23/8 còn 168.000 đồng/test.
"Loạn" giá công bố bộ xét nghiệm nhanh nhập khẩu tại Việt Nam (ảnh: IT) |
Cùng 1 loại giá khác nhau
Ngoài việc điều chỉnh giảm còn có điểm đáng chú ý trong thông tin về giá công bố kít test nhanh của các công ty nhập khẩu.
Cụ thể, với cùng giấy phép nhập khẩu số 5787/BYT -TB-CT 20/7/2021 của Bộ Y tế và chủng loại kít test là “Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test” (Trung Quốc), giá bán công bố ngày 28/7 của Công ty Cổ phần Á Châu (Hà Nội) là 109.200 đồng/test thì tại Công ty Cổ phần My Solutions (Hà Nam) lại ở mức 185.000 đồng/test và công ty này điều chỉnh còn 109.200 đồng/test (ngày 23/8).
Sau đó, công ty Cổ phần Á Châu (Hà Nội) tiếp tục được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu số 5895/BYT-TB-CT ngày 22/7/2021, lúc này giá bán cho lô kít test nhanh với chủng loại và xuất xứ như trên chỉ còn 79.800 đồng/test (công bố ngày 23/8).
Như vậy, cùng một bộ test nhanh, cùng quốc gia sản xuất là Trung Quốc lại có 3 mức giá tham chiếu công bố trên thị trường khác nhau trong chưa đầy một tháng.
Ngày 23/8, mức giá cao nhất được công bố cho một kít test nhập khẩu là 4.452.000 đồng/hộp 25 test, tương đương 178.080 đồng/test (xuất xứ Hàn Quốc). Mức giá thấp nhất là 79.800 đồng/test (xuất xứ Trung Quốc), chênh lệch gần 100.000 đồng/test. Bên cạnh đó, giá các chủng loại kít test nhanh có nhiều mức giá khác nhau ở các lần công bố của DN.
Công ty Cổ phần Á Châu là đơn vị có năng lực cung ứng tốt nhất hiện nay trên thị trường khi đảm bảo cung cấp tới 60 triệu test/tháng. Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh có năng lực cung ứng thấp nhất cũng đạt mức 1 triệu test/tháng. Với việc điều chỉnh giá giảm gần 20.000 đồng/test, nếu cung ứng hết số lượng kít test trên ở mức giá mới thì doanh thu của Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh giảm khoảng 20 tỷ đồng. Đối với những DN có khả năng cung ứng tốt ra thị trường, việc điều chỉnh giá chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới doanh thu.
Nhiều DN đề nghị có cơ chế quản lý giá bộ xét nghiệm |
Ngoài ra, ngày 2/7, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) công bố chỉ có 2 đơn vị nhập khẩu kít test nhanh thì tới ngày 23/8, đã có 8 đơn vị tham gia nhập khẩu (6 DN ở phía Bắc và 2 DN ở phía Nam).
Số lượng các đơn vị tham gia vào quá trình nhập khẩu tỷ lệ thuận với việc gia tăng ca mắc Covid-19. Ví dụ, ngày 2/7 tại TP.HCM chỉ có 419 ca F0 thì tới ngày 23/8 là 4.251 ca F0; Bình Dương ngày 2/7 chỉ có 13 ca F0 ghi nhận thì con số này đã lên 3.183 ca F0 vào ngày 23/8.
Liên quan đến giá thành xét nghiệm, đại diện một DN FDI tại TP.HCM thông tin, DN sản xuất “3 tại chỗ” với 500 công nhân, mỗi công nhân đang phải xét nghiệm tuần/lần với chi phí thấp nhất là 260.000 đồng/người. Như vậy, tiền bỏ cho riêng việc xét nghiệm là khoảng 520 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo DN này cũng đề nghị kiểm soát giá thành xét nghiệm, không để xuất hiện trục lợi mùa dịch.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, cơ quan nhà nước cần có sự can thiệp nhằm bình ổn chi phí dụng cụ xét nghiệm. Không thể để tình trạng hôm nay mua giá này, mai giá khác.
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương diễn ra sáng 26/9, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - ông Đặng Hồng Anh - đã đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kít xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn, đến 100 triệu bộ, với giá gốc khoảng 1,5 USD (khoảng 34.500 đồng). Theo ông Hồng Anh, nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
DN tự công bố giá bán, tự chịu trách nhiệm Trao đổi với báo chí, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết cần phân biệt giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ, còn giá xét nghiệm do DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định. Hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường. Để các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các DN phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng. Theo cơ quan chức năng của Bộ Y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Hiện giá các xét nghiệm nhanh dao động 80.000 - 130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số DN điều chỉnh giá. Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) - ông Nguyễn Minh Tuấn trong các văn bản gửi đi đều đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường. |
Trần Chung