Khi châu Âu tiếp tục trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, một nhà khoa học hàng đầu nhận định đó là báo hiệu về đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua ở cựu lục địa.
Mực nước rút dọc theo sông lớn Danube chảy qua nhiều nước châu Âu đã lộ ra khoảng 20 tàu chiến thuộc quân đội Đức bị đánh chìm trong Thế chiến thứ II, theo Reuters.
Danube là con sông dài thứ hai châu Âu, trải dài từ Rừng Đen ở Tây nam nước Đức đến biển Đen ở Đông Romania. Mực nước sông Danube năm 2022 đã rút xuống mức thấp kỷ lục trong gần một thế kỷ qua. Thậm chí, gần đây mực nước đã giảm hơn 1,5 m trong khoảng thời gian 3 tuần tại một đoạn gần Budapest của Hungary. Hạn hán và nắng nóng liên tiếp cũng đã khiến con sông bị thu hẹp diện tích đáng kể.
Công ty cấp nước hàng đầu của khu vực cảnh báo rằng mực nước giảm đột ngột có thể đe dọa nguồn cung cấp nước uống của họ, theo AP.
Cách thủ đô của Hungary khoảng 611 km về phía Nam, nước cũng đang rút dọc theo sông Danube gần Prahovo, Serbia. Từ đây, lộ ra xác của hơn 20 tàu chiến thuộc quân đội Đức bị đánh chìm năm 1944, tức trong Thế chiến thứ II.
"Nhiều con tàu bị chìm - bao gồm cả những con tàu vừa lộ thiên gần Prahovo - vẫn chứa đạn dược và chất nổ" - hãng thông tấn Reuters cho biết và thêm rằng ngoài chứa vật liệu chưa nổ, một số tàu vẫn còn nguyên tháp chỉ huy và các cấu trúc khác gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại nơi đây.
"Xác của tàu chiến Đức đã để lại thảm họa sinh thái lớn đe dọa chúng tôi, người dân Prahovo" - cụ ông Velimir Trajilovic, 74 tuổi, một cư dân thành phố cảng Serbia, nói với Reuters.
Xác một tàu chiến Đức thời Thế chiến II được nhìn thấy trên sông Danube ở Prahovo, Serbia, vào ngày 18-8. Ảnh: Reuters
Hạn hán dai dẳng trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ mà các nhà khoa học cho là do biến đổi khí hậu. Điều này làm dấy lên một loạt lo ngại về sức khỏe và sự an toàn của các cộng đồng sống dựa vào các nguồn nước hiện đang nhanh chóng cạn kiệt.
Thuyền nằm trên lòng sông khô cạn của sông Danube ở TP Novi Sad, Serbia vào ngày 16-8. Ảnh: Reuters
Nước rút xuống mức thấp còn lộ ra một quả bom nặng hơn 4,5 tấn chưa nổ dưới sông Po của Ý vào đầu tháng 8. Quả bom khủng được phát hiện sau khoảng 2 tháng chứng kiến một sà lan dài hơn 50 m, cũng từ Thế chiến thứ II, lật lên ở nơi khác dọc theo sông Po.
Quả bom từ năm 1943 đã lộ ra trên sông Po của Ý. Ảnh: Live Science
Mực nước thấp kỷ lục tại Hồ Mead, hồ chứa lớn nhất nước Mỹ, đã phát hiện ra nhiều hài cốt người vào hồi tháng 5. Một trong số đó, nhà trách trách khẳng định nạn nhân đã chết hàng chục năm trước. Ngoài ra, còn một chiếc thuyền thời Thế chiến thứ II bị chìm cũng được tìm thấy ở đó vào tháng 7.