TGG lỗ 13 tỷ đồng sau thuế
Cụ thể, tại Công ty CP Louis Capital (HoSE: TGG) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 209,8 tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán gấp 11,7 lần lên 204,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 5,1 tỷ đồng; biên lãi gộp được cải thiện từ 2,2% lên 2,4%.
Sau khi Chủ tịch bị bắt do thao túng thị trường chứng khoán, hàng loạt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Louis Holdings có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Trong quý II, gần như đơn vị này không có doanh thu tài chính. Trong khi đó chi phí tài chính là 5,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ gần như không có do phải trả lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng gần 7 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp 6,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập dự phòng 43 tỷ đồng .
Kết quả, TGG đã lỗ 13 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lãi 43,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 8,5 tỷ đồng. Như vậy sau 4 quý đơn vị này lại ghi nhận lỗ.
Theo giải trình của doanh nghiệp, ngoài ảnh hưởng của việc không còn hoàn nhập trích lập dự phòng trong khoản mục quản lý, nguyên nhân lỗ còn đến từ trong quý vừa qua, công ty không có khoản lợi nhuận đáng kể từ đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, doanh nghiệp mới bổ sung lý do chi phí phân bổ lợi thế thương mại trong quý vừa rồi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TGG thu về 515,8 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp gần 29 lần cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng đạt 301,8 tỷ đồng; gấp 21,5 cùng kỳ; doanh thu bán gạo là 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không có. Doanh thu tài chính là 23,3 tỷ đồng, tăng so với mức 147 triệu đồng của cùng kỳ năm trước nhờ lãi bán các khoản đầu tư. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Louis Capital là 9,6 tỷ đồng.
Năm nay, công ty đã lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.071 tỷ đồng, tăng 34%; lãi sau thuế 122 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau 6 tháng TGG đã hoàn thành 48,2% kế hoạch doanh thu và 4,6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của TGG đạt hơn 788 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, khoản nắm giữ chứng khoán kinh doanh của đơn vị này giảm từ 46,5 tỷ đồng còn 1,5 tỷ đồng do bán cổ phiếu LDP của Dược Lâm Đồng.
Các khoản phải thu ngăn hạn giảm 43,8% còn 205,4 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 24,5% lên 122 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 147,3 tỷ đồng, tăng 61% so với số ngày 1/1 trong đó 82,2% nợ ngắn hạn.
BII lỗ hơn 9,4 tỷ đồng
Tương tự, tại Công ty CP Louis Land (HoSE: BII), doanh thu quý II đạt 152 tỷ đồng, tăng 198% so với cùng kỳ; giá vốn cũng tăng 206% lên 150 tỷ đồng do thị trường vật liệu xây dựng tăng mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp quý này của BII chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, giảm hơn 43% so với quý II năm trước.
Trong quý, BII không ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính trong khi quý trước đạt hơn 87 tỷ đồng; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận 6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, giảm 86% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II, BII báo lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp xây dựng này báo lỗ ròng. EPS ghi nhận âm 274 đồng/cổ phiếu.
Phía công ty giải thích nguyên nhân là do phát sinh phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng. Ngoài ra tác động của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty gặp nhiều khó khăn, các dự án đang trong giai đoạn phát triển nên chưa ghi nhận doanh thu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù BII báo tổng doanh thu tăng 91% lên 303 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế đều ghi nhận lỗ gần 19 tỷ đồng, giảm 148% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Đến ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của BII tăng nhẹ và đạt 479 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn khi ghi nhận gần 460 tỷ đồng - chiếm 96%, hàng tồn kho giảm mạnh 64% xuống chỉ còn 15 tỷ đồng. Tài sản dài hạn của công ty cũng có sự tăng nhẹ khi đạt 565 tỷ đồng. Nợ của BII đến hết tháng 6 tăng 21% lên 435 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn khi chiếm tới 99% - tương đương 432 tỷ đồng.
AGM lỗ 10 tỷ đồng trong quý II
Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang cũng ghi nhận mức lỗ ròng quý II và 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt gần 10 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái "họ Louis" là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM) cũng ghi nhận mức lỗ ròng quý II và 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt gần 10 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.
Theo giải trình của AGM, quý II, Công ty tiếp tục đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu giúp doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, lên gần 1,362 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, với mức tăng 112%, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 7% xuống còn 3.8%. Khoản thu tài chính trong kỳ tăng mạnh , gấp gần 24 lần cùng kỳ, lên hơn 42 tỷ đồng, do có thêm lãi hợp nhất công ty con, lãi đầu tư tài chính khác (đầu năm không có khoản này).
Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, logistic tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty. Cụ thể, chi phí bán hàng gấp 2.2 lần cùng kỳ, lên hơn 53 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng mạnh với gần 50 tỷ đồng (gấp 9.5 lần cùng kỳ), chủ yếu do lãi tiền vay và chi phí đầu tư tài chính.
Đồng thời, trong quý 2, Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho AGM lỗ ròng gần 10 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, AGM lỗ ròng gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi gần 14 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu thuần đạt hơn 2.381 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu là doanh thu bán hàng lương thực với hơn 1.988 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Tổng tài sản của AGM tại cuối quý 2/2022 đạt hơn 1,978 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản thu ngắn hạn, với gần 878 tỷ đồng (chiếm 44.4%). Hàng tồn kho tăng 21%, xấp xỉ 567 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu, giá trị gần 250 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Tại ngày 30/06/2022, nợ phải trả của AMG tăng 3% so với đầu kỳ, lên gần 1,421 tỷ đồng. Vay nợ thuê ngắn hạn đạt 693 tỷ đồng (giảm 26%), song vay nợ thuê dài hơn tăng mạnh 93%, lên 658.5 tỷ đồng.
SMT lỗ gần 3 lần cùng kỳ
Công ty CP Sametel lỗ sau thuế gần 5,4 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Còn tại Công ty CP Sametel (HNX: SMT), doanh nghiệp do Louis Holdings nắm 51% vốn điều lệ cũng có lợi nhuận quý II âm 5,4 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần quý II của SMT đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 43% so với quý I.
Trong kỳ, chi phí tài chính và giá vốn bán hàng tăng lần lượt 207% và 28% lên mức 3,5 tỷ và 58,5 tỷ khiến công ty báo lỗ sau thuế gần 5,4 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Phía công ty cho biết, trong quý II/2022, doanh thu bán hàng trong kỳ tăng do công ty trúng thầu đơn hàng cáp quang từ cuối năm 2021. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào như nhựa, kẽm tăng đáng kể. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần do trong quý I/2022 công ty đã vay nợ để thực hiện đơn hàng đồng thời lỗ từ hoạt động chứng khoán.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, SMT ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng, gấp 2 lần thực hiện trong cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế âm 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 giảm mạnh còn 172 triệu đồng. EPS là -981 đồng/cổ phiếu.