Thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia Đông Nam Á đạt khoảng 4.400 USD/ năm. Tuy nhiên, thị trường khu vực này còn rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi quy mô của tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng lên 200 triệu vào năm 2025.
Các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số như Grab và Gojek đã lần lượt tiến đến các thị trường khu vực như Singapore và Indonesia, dần trở thành siêu ứng dụng trong khu vực nhờ dân số đông và sức mua tương đối cao.
Hiện nay, các công ty Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội ở những "đại dương xanh" này.
Cạnh tranh giữa Kakao và Naver
Kakao Entertainment, công ty truyền thông và xuất bản lớn ở Hàn Quốc thông báo sẽ ra mắt dịch vụ "webtoon" tại Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan vào tháng 6 này. Điều này đồng nghĩa với việc Kakao sẽ cạnh tranh với Naver, đặc biệt ở Thái Lan khi Naver đang giữ vị trí số 1 mảng kinh doanh này.
Đáng chú ý, trước đó, Naver, cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc và SoftBank, tập đoàn tài chính, công nghệ hàng đầu Nhật Bản, đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp nhất kinh doanh giữa công ty Line và công ty Z Holdings - đơn vị điều hành cổng thông tin Yahoo Japan.
Line còn được coi là ứng dụng nhắn tin di động "quốc dân" ở Thái Lan, với 49 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU), đứng thứ 2 sau Nhật Bản với 88 triệu MAU. Dựa vào nền tảng di động mạnh mẽ này, Naver đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ webtoon dưới tên của các công ty con.
Line ra mắt nền tảng ngân hàng di dộng Line BK đầu tiên tại Thái Lan và số lượng khách hàng đã vượt qua con số 2 triệu. Ngoài ra, công ty vận chuyển đồ ăn Line Man-Wongnai cũng vừa thông báo kế hoạch mở rộng dịch vụ lên 77 tỉnh của xứ sở chùa Vàng này.
Với trường hợp của Kakao Entertainment, công ty đã chuẩn bị ra mắt dịch vụ webtoon tại Thái Lan từ năm ngoái. Không giống như Naver, Kakao sẽ ra mắt một ứng dụng điện thoại riêng. Đây không phải là lần đầu tiên Naver và Kakao đối đầu tại thị trường nước ngoài. Trước đó, Line Webtoon đã cạnh tranh với Piccoma, nền tảng webtoon của Kakao ở Nhật Bản.
Hai công ty cũng đang chuẩn bị cho việc IPO bằng cách mua lại các nền tảng kể chuyện quốc tế. Naver đã tiếp quản Wattpad vào tháng 1 và Kakao đang trong quá trình mua lại hai nền tảng Raddish và Tapas Media.
"Điều này tương tự như cuộc cạnh tranh giữa Samsung và LG trước đây trong thị trường thiết bị gia dụng toàn cầu. Naver và Kakao hiện đang cạnh tranh để trở thành doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số toàn cầu", một đại diện của Kakao Entertainment chia sẻ.
Naver đầu tư vào Việt Nam và Indonesia
Naver đang từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á. Cụ thể, Naver Group đã hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trong những trường hàng đầu quốc gia, để khai trương trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn còn đầu tư 150 triệu USD vào công ty giải trí Emtek của Indonesia.
Coupang - nền tảng thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc và Woowa Brothers cũng đã gia nhập thị trường Đông Nam Á. "Việc áp dụng dịch vụ mua hàng tại mỗi quốc gia sẽ có những khó khăn nhất định, bởi hệ thống bán lẻ mỗi nơi đều khác nhau. Đó là lý do tại sao "gã khổng lồ" thương mại điện tử Coupang muốn thử nghiệp tại Singapore, trước khi tiến sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á", một nguồn tin trong ngành cho biết.
Woowa Brothers - công ty giao thực phẩm có giá trị tỷ USD với nền tảng giao đồ ăn Baedal Minjok đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam với ứng dụng đồ ăn BAEMIN.
Hiện ứng dụng này đang hoạt động tại Hà Nội và TP. HCM với tốc độ tăng trưởng nhanh đáng kể. So với hoạt động trong giai đoạn đầu, đến nay số lượng đơn đặt hàng mỗi ngày của ứng dụng đã tăng gấp khoảng 200 lần.
Tham khảo: Korea Times