Bộ TTTT và UBND tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, khối FDI đã đóng góp tích cực trong lĩnh vực ICT. Cụ thể, các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, HP, Panasonic… đều đã đặt cơ sở sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Các tập đoàn ICT lớn khác như Qualcomm, Grab, Fujitsu, SAP,.. cũng đang hoạt động rất sôi động tại Việt Nam. Việt Nam cũng đang đón nhận những thông tin đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư mới như Google, hay mới đây nhất là Facebook sẽ đưa dây truyền sản xuất kính thực tế ảo vào Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh khu vực FDI đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong lĩnh vực ICT, FDI đã đang và sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định để ICT Việt Nam bắt kịp, đi cùng với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cũng đã chỉ ra những điểm hạn chế mà thu hút đầu tư nước ngoài cần khắc phục như: Chính sách đầu tư chưa theo kịp sự phát triển, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư R&D không nhiều, liên kết đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước chưa chặt chẽ, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam. Đơn cử như tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam…
Trong lĩnh vực CNTT-TT, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam đầu tư, thực hiện nghiên cứu phát triển, hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các lĩnh vực thông tin và truyền thông theo các định hướng:
Với lĩnh vực bưu chính, phát triển hạ tầng theo hướng là hạ tầng chuyển phát và hạ tầng Logistic để phục vụ cho phát triển thương mại và kinh tế số;
Lĩnh vực viễn thông: Phát triển hạ tầng siêu băng rộng thiết yếu cho phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện.
Lĩnh vực an toàn thông tin: Phát triển hạ tầng an toàn, an ninh không gian mạng làm tiền đề, tạo niềm tin cho nền kinh tế số, xã hội số.
Lĩnh vực ứng dụng CNTT, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi. Đến 2030, Chính phủ điện tử nằm trong top 3 ASEAN.
Lĩnh vực Công nghiệp CNTT: thực hiện chủ trương Make in Viet Nam với nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam đối với một số thiết bị 5G.
Trao đổi tại Hội nghị, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn nhằm xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi và cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực ICT tại Việt Nam.
Tập đoàn Qualcomm cũng chia sẻ kế hoạch đầu tư vào R&D tại Việt Nam để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các thiết bị 5G và IoT đón phát triển xu hướng 5G tại Việt Nam.
Grab đã chia sẻ về việc đầu tư Trung tâm R&D với 160 kỹ sư tại Tp. Hồ Chí Minh, tạo ra những trải nghiệm người dùng được thiết kế riêng cho khách hàng Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển hệ sinh thái số.
Thực hiện chương trình Make in Viet Nam, VNPT đã chia sẻ định hướng phát triển hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi và nền tang, tập trung cho AI; bảo mật; thiết bị IoT. Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế trong các dự án R&D.
Về phát triển 5G, Viettel đã chia sẻ kế hoạch đầu tư và cung cấp dịch vụ 5G từ nay đến 2029, mở rộng và cung cấp dịch vụ 5G tới tất cả các thành phố tại Việt Nam vào năm 2021, 2020 phát triển các thiết bị 5G hỗ trợ chuẩn 3GPP và đến năm 2029 sẽ nghiên cứu, thử nghiệm băng rộng di động 5G, cấu trúc mạng lõi 5G…