Sự xuất hiện của tuyến đường sắt ở Lào trong năm 2021 đã mang đến nhiều thay đổi lớn cho quốc gia này. Năm 2021 cũng đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lào và Năm Hữu nghị Trung Quốc-Lào. Điều này có ý nghĩa rõ ràng đối với sự phát triển ở Lào và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Lào cũng như mạng lưới Đường sắt Quốc gia Lào mới.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Lào là một mắt xích quan trọng trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và chiến lược của Lào nhằm biến một "quốc gia không biển" thành một "trung tâm kết nối trên đất liền". Điều đó bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng dọc theo hành lang kinh tế Trung Quốc-Lào để thúc đẩy kết nối song phương và các khu vực dọc theo hành lang.
Các tuyến đường sắt từ Lào dự kiến sẽ kết nối với nhiều địa điểm trong khu vực. Trong đó, các điểm đến ở Việt Nam bao gồm cửa khẩu Lao Bảo, thành phố Vinh, cảng Vũng Áng và có thể nối chuyến tới thủ đô Hà Nội.
Đường sắt Côn Minh-Viêng Chăn
Tuyến đường sắt Côn Minh-Viêng Chăn sẽ kết nối với một tuyến đường sắt đến Bangkok, và đi xuống phía nam bán đảo Malaysia đến Singapore. Việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào bắt đầu vào tháng 12/2016 và có sự tham gia của 6 nhà thầu Trung Quốc từ các công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Theo đúng kế hoạch, tuyến đường đã được hoàn thành vào tháng 12/2021.
Tuyến đường sắt dài 414 km trải dài từ Boten, trên biên giới phía bắc của Lào với Trung Quốc, đến Viêng Chăn, thủ đô của Lào. Tuy nhiên, địa hình khó khăn đồng nghĩa với việc phải xây dựng tổng cộng 170 cây cầu và 72 đường hầm xuyên qua địa hình đồi núi của Lào, cũng như đôi lúc buộc phải tạm dừng thi công để rà phá một số bom, tên lửa và mìn chưa nổ từ thời chiến tranh.
Tại Lào, tuyến sẽ chạy qua 21 ga ở Lào từ biên giới với Trung Quốc. Dự kiến sẽ có thêm 12 nhà ga nữa được lên kế hoạch để phát triển trong tương lai.
Từ Savannakhet đến Lao Bảo
Dù không phải là một phần của BRI do không phải Trung Quốc xây dựng, nhưng tuyến đường sắt từ Savannakhet đến Lao Bảo sẽ giúp kết nối Thái Lan với Việt Nam thông qua Lào.
Một công ty của Malaysia hiện đang thực hiện dự án với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Trung Quốc. Tuyến đường này dài 220 km, chủ yếu chạy qua các vùng trồng lúa, song song với Quốc lộ 9 và có chi phí ước tính khoảng 5 tỷ USD. Dự án bắt đầu vào năm 2012 và dự kiến mở cửa trong năm 2021.
Viêng Chăn đến Vũng Áng
Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng (dự án đường sắt A3) sẽ giúp thủ đô của Lào tiếp cận với một cảng biển tại Vũng Áng Việt Nam. Tuyến đường sắt dài 550 km này sẽ chạy qua Thakhek và Muya. Lào và Việt Nam đã đồng ý xây dựng tuyến đường sắt vào tháng 5/2017, và vào tháng 12/2017, một nghiên cứu khả thi kết luận rằng dự án có tính khả thi cao. Dự án ước tính trị giá 5 tỷ USD.
Sáng 10/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào và gặp gỡ doanh nghiệp hai nước. Một trong những kết quả đáng chú ý tại kỳ họp là việc hai nước đã trao bản cam kết giữa 3 cổ đông Việt Nam và Lào về việc thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào từ 20% lên 60% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, đơn vị vận hành cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Lào là quốc gia nằm hoàn toàn trong đất liền, do đó cảng Vũng Áng có vai trò rất quan trọng đối với chính sách của Chính phủ Lào trong việc tiếp cận với hoạt động hàng hải - thương mại đường biển và tăng cường kết nối khu vực.
Dự án này cũng giúp Lào giảm đáng kể chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng nhờ phát triển giao thông vận tải và thương mại, tăng cường quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, đặc biệt là mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam.
Pakse - Veun Kham
Việc hoàn thành tuyến đường sắt Bắc Nam tại Lào sẽ kết thúc với tuyến đường được đề xuất từ Pakse đến Veun Kham trên biên giới Campuchia. Tiếp đó, sẽ có một tuyến đường được đề xuất từ biên giới Campuchia đến Phnom Penh. Dự án này vẫn đang trong quá trình bàn thảo.
Có thể thấy, Lào sẽ trải qua một số thay đổi căn bản từ năm nay và trong thập kỷ tới. Từ một quốc gia không giáp biển, Lào giờ đây sẽ có quyền tiếp cận các cảng biển cũng như đường sắt đến các nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021 đánh dấu sự "lột xác" của Lào với nhiều triển vọng tương lai - với du lịch, lữ hành, bất động sản, bán lẻ và thương mại đều nằm trong chương trình nghị sự về các cơ hội đầu tư nước ngoài.