MB tăng 0,1-0,6%/năm, lãi suất cao nhất 6,9%/năm
Cụ thể, biểu lãi suất huy động tháng 8 của ngân hàng MB đã tăng thêm 0,5-0,8 điểm % ở nhiều kỳ hạn so với biểu lãi suất hồi đầu tháng 7.
Tại kỳ hạn 3 tháng, nhà băng này đã tăng thêm 0,2 điểm % lên 3,6%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 5 tháng tăng mạnh 0,5 điểm % lên 4%/năm. Ở kỳ hạn 7-8 tháng, lãi suất cũng tăng từ 4,4%/năm lên 5%/năm.
MB cũng điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 13 tháng tăng 0,2 điểm % lên 5,9%/năm.
Đối với số tiền nhỏ, hiện lãi suất cao nhất tại MB là 6,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, không thay đổi so với trước. Đối với khách hàng gửi số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 6,9%/năm (kỳ hạn 24 tháng, số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên).
ACB tăng 0,1-0,4%/năm, bổ sung thêm sản phẩm kỳ hạn dài
ACB đã có một lần điều chỉnh mạnh lãi suất ở kỳ hạn ngắn hồi đầu tháng 7 và bước sang đầu tháng 8 tiếp tục tăng ở các kỳ hạn dài hơn.
Cụ thể, đối với gói Tài Lộc, ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ACB đã tăng từ 5,7-6%/năm lên 6,1-6,4%/năm tùy thuộc vào nhóm khách hàng, tức điều chỉnh 0,4 điểm %. Trong đó, với khách hàng ưu tiên hạng I, lãi suất tăng từ 6%/năm lên 6,4%/năm.
Tương tự, tại kỳ hạn 13 tháng, ACB tăng thêm 0,1-0,3 điểm % lên mức 6,2-6,5%/năm. Trong đó, khách hàng gửi tiết kiệm dưới 500 triệu có lãi suất 6,2%/năm. Khách ưu tiên hạng I gửi từ 500 triệu được hưởng lãi suất 6,5%/năm.
Gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" của ACB có lãi suất cao hơn. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động là 6,4-6,7%/năm, cũng đã tăng 0,4 điểm % so với trước.
Ngoài ra, ACB đã bổ sung thêm sản phẩm tiền gửi kỳ hạn dài 15 tháng, 24 tháng, 36 tháng vào biểu lãi suất mới. Khách hàng gửi kỳ hạn 36 tháng ở gói "chọn sống mới, trọn chất tôi" có lãi suất 6,7-6,8%/năm, là mức cao nhất tại nhà băng này.
Techcombank tăng 0,1-0,2%/năm, lãi suất cao nhất đạt 6,5%/năm
Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 1/8/2022 và tăng ở nhiều kỳ hạn, tuy nhiên mức điều chỉnh nhẹ khoảng 0,1 – 0,2 điểm % do nhà băng này đã có nhiều lần tăng lãi suất trước đó.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank đã lên 6,5%/năm, áp dụng cho khách hàng VIP gửi kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tại quầy của Techcombank tăng từ 5,55-6%/năm lên 5,75-6,2%/năm. Trong đó, khách hàng thường gửi dưới 1 tỷ có lãi suất 5,75-5,85%/năm.
Tương tự ở kỳ hạn ngắn 3 tháng, lãi suất tăng từ lên 3,35-3,8%/năm lên 3,55-4%/năm, tức tăng thêm 0,2 điểm %. Khách hàng VIP 1 của Techcombank sẽ được hưởng lãi suất cao nhất 4%/năm. Trong khi với khách hàng thường, gửi số tiền dưới 1 tỷ sẽ có lãi suất thấp nhất là 3,35%/năm.
VPBank tăng thêm 0,1-0,4%/năm, lãi suất cao nhất lên mốc 7%/năm
Thêm một ngân hàng lớn khác là VPBank cũng mới điều chỉnh biểu lãi suất từ tháng 8/2022 và tăng ở nhiều kỳ hạn. Mức điều chỉnh là 0,1-0,4%/năm.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại VPBank đã lên mốc 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, tiền gửi từ 50 tỷ theo hình thức online. Mức lãi suất này cao hơn 0,1%/năm so với trước.
Tại kỳ hạn 11 tháng, số tiền gửi từ 3 tỷ đến dưới 10 tỷ theo hình thức trực tuyến, VPBank niêm yết ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Kỳ hạn 6 tháng cũng tăng khá mạnh: lãi suất áp dụng cho số tiền gửi từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng tăng 0,4 điểm % lên 6%/năm.
Trong khi tăng lãi suất với các món tiền gửi từ hàng tỷ đồng trở lên thì VPBank điều chỉnh giảm ở các khoản tiền gửi nhỏ.
Ví dụ, tại kỳ hạn 12 tháng, số tiền gửi 300 triệu theo hình thức online của VPBank hiện nay có lãi suất 5,8%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước. Hay cũng ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất giảm từ 6,4%/năm xuống 6%/năm.
Vietcombank tăng thêm 0,1-0,2%/năm, lãi suất cao nhất 5,8%/năm
Cuối tháng 7 vừa qua, Vietcombank cũng bất ngờ điều chỉnh lãi suất huy động sau gần 1 năm giữ ổn định. Ngân hàng này đã tăng thêm 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Chẳng hạn, đối với hình thức gửi tại quầy, tại kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng – 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm.
Một số kỳ hạn ngắn cũng có sự điều chỉnh, trong đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 3% lên 3,1%/năm.
Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất tăng mạnh hơn. Hiện lãi suất cao nhất là 5,8%/năm áp dụng kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,6%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng khi gửi online, lãi suất tăng 0,1 điểm % lên 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động liên tục tăng mạnh thời gian gần đây nhưng mặt bằng chung vẫn còn thấp hơn so với năm 2019 (trước dịch Covid-19). Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,55%/năm trong khi giai đoạn trước đại dịch, lãi suất huy động cao nhất có lúc lên tới 8,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm.
Được biết, tính đến 20/6/2022, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 3,97% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với dự báo nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu huy động của các ngân hàng thương mại có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới. Mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.