Tháng 4, các ngân hàng lần lượt tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Đã có những kế hoạch tăng tốc lợi nhuận được đề ra và cả những bước đi thận trọng. Tuy nhiên, dự tính được nhiều ngân hàng lựa chọn đó là mua ngược nợ xấu đã bán cho VAMC.
Vào tháng 10/2013, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.
Theo đó, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ ngay cho những khoản nợ xấu hoặc một tỷ lệ cao hơn 20% tuỳ vào mức độ quá hạn của mỗi khoản nợ xấu bán sang VAMC như thông thường, thì ngân hàng được cơ chế trích lập dự phòng mỗi năm 20%, trong 5 năm.
Agribank là ngân hàng tiên phong bán những khoản nợ xấu sang VAMC. Tiếp sau, VAMC lần lượt ký mua nợ xấu từ một loạt thành viên khác như SCB, SHB, PG Bank… Và tính chung năm 2013, đầu mối này đã mua gần 40.000 tỷ đồng giá trị nợ xấu.
Còn tính theo các bản báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của 21 ngân hàng đã công bố, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ là hơn 109.327 tỷ đồng. Số liệu này chưa bao gồm BIDV do chưa công bố báo cáo kiểm toán và Agribank.
Hiện tại, theo ghi nhận, danh sách làm sạch nợ tại VAMC đã có 5 ngân hàng gồm Vietcombank, Techcombank, MBbank, OCB và VIB. Bên cạnh còn ACB đang ngấp nghé được vào danh sách. Đặc biệt, trong một phát biểu gần đây, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng này có đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Với bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp và các ngân hàng đã có được lợi nhuận khá cao trong những năm qua, xu hướng mua ngược lại nợ xấu, làm sạch nợ tại VAMC đang tiếp tục lan rộng.
Cụ thể, tuy mới công bố kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2019, song TPBank cũng cho biết dự kiến mua lại toàn bộ hoặc một phần trái phiếu VAMC trong năm nay, tuỳ theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Và có vẻ tình hình kinh doanh của quý 1/2019 đang ủng hộ dự định này của TPBank khi ghi nhận 853 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 66% so với cùng kỳ, tương đương 26,7% kế hoạch lợi nhuận (đây thường là quý có kết quả thấp nhất trong năm theo chu kỳ hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung).
Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), năm 2018 ngân hàng này đã đạt được những kết quả tốt, các chỉ tiêu đều tăng trưởng tốt so với năm 2017.
Nhờ vậy, tại Đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, Kienlongbank sẽ tập trung đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và phấn đấu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước ngày 31/12/2019.
Hoặc như theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.
Giống BIDV, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Để mua lại nợ xấu đã bán, VPBank không cách nào khác là phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau khi đã trích lập xong thì các năm tới, khi nợ xấu được xử lý dứt điểm, phần dự phòng này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên với mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.