Giá đất từng lên đỉnh vào năm 2017
Nhìn lại quá khứ, thời điểm 2017, khi các thông tin về một phần huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) được quy hoạch thành khu kinh tế Vân Phong - bắc Vân Phong, thị trường bất động sản nơi đây lập tức trở thành khu vực “nóng” nhất cả nước. Khi đó, nhiều lô đất ven biển còn được giao dịch với giá cao gấp 10 lần chỉ trong phút mốt.
Anh Ngọc Linh, môi giới bất động sản kể lại: “Giữa năm 2017, nhiều khu vực ở thị trấn Vạn Giã giá đất lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2, trong khi cách đó 1 năm chỉ khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Không chỉ đất ở, nhiều người còn mạnh tay mua cả đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp,... khiến giá tăng lên 4 - 5 triệu đồng/m2, trong khi trước đó chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/m2”.
Anh Linh cho biết thêm, khi cơn sốt đất ập đến, người dân trên địa bàn bán cả đìa, bỏ lồng tôm, cá đi buôn đất. “Cả khu vực gần như không ngủ, trao tay nhau tiền tỷ mà không cần công chứng gì. Các điểm môi giới bất động sản mọc lên như nấm, nhà đầu tư từ cả nước đổ về tìm kiếm cơ hội đầu tư”, người này nói.
Thế nhưng, đến tháng 5/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa vào cuộc chỉ đạo dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch đặc khu bắc Vân Phong. Trước động thái mạnh tay của Chính quyền, giá đất tại điểm nóng này nhanh chóng hạ nhiệt. Đến giữa năm 2018, giá đất tại thị trấn Vạn giã giảm hơn một nửa, còn 30 - 40 triệu đồng/m2.
Các loại đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp không còn ghi nhận sự ồ ạt xuống tiền của nhà đầu tư và nhanh chóng trở về mức giá bằng thời điểm 2016. Thị trường khu vực này cũng vắng bóng nhà đầu tư và môi giới bất động sản.
Đến tháng 6/2020, Thủ tướng đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính đặc khu kinh tế bắc Vân Phong. Một lần nữa, giá đất tại khu vực này tiếp tục giảm mạnh.
Mãi đến giữa năm 2021, theo sức nóng chung của thị trường bất động sản, thị trường Vạn Ninh cũng ấm trở lại. Nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt sau 4 năm đã có niềm tin trở lại, giá đất nhờ đó cũng tăng lên.
Giá rao bán đất nền có tăng nhẹ khi hay tin các “ông lớn” đổ bộ?
Mới đây, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, từ ngày 7 - 15/2, đơn vị sẽ làm việc với 13 nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực này và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, 13 doanh nghiệp quan tâm gồm: Công ty CP Dầu khí Đông Phương (dự án về lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp); Công ty Stavian Hóa chất, Công ty Stavian Land (dự án về hóa dầu, công nghiệp); CTCP Trung Nam (Dự án về năng lượng, KCN); Công ty CP Sonadezi (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Becamex IDC (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP SSI (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP Shinec (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (dự án về đầu tư xây dựng cảng biển); Tập đoàn Sungroup (dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển...); Tập đoàn Novaland và Cty CP Đầu tư Đất Tâm (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch); Công ty Cổ phần FPT (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch); CTCP Flamingo Holding Group (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch, KCN).
Trước thông tin này, anh Hưởng, một môi giới tại khu vực cho biết, mấy ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu rục rịch trở lại Vạn Ninh.
“Khoảng 3 - 4 ngày trở lại đây, nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP. HCM, Đồng Nai,... đến tìm xem và mua đất. Trong ngày 1/2 bên tôi cũng bán được vài lô đất. Giá đất rao bán tại khu vực này cũng đã tăng khoảng 10% so với trước Tết. Tuy nhiên, giá đất vẫn chưa chạm đỉnh như thời điểm 2017”, anh Hưởng nói.
Đơn cử, một mảnh đất tại trục đường Trần Hưng Đạo có diện tích trên sổ hồng 178m2, tuy nhiên diện tích thực tế là hơn 200m2. Trước Tết, mảnh đất này có giá 52 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 57 triệu đồng/m2. Nếu mua, người bán sẽ chỉ tính giá theo diện tích đất trên sổ hồng.
Theo anh Hưởng, giá đất trên trục đường Trần Hưng Đạo đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá bán dao động 30 - 60 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Còn đối diện khu vực quảng trường đang xây dựng có giá cao nhất từ 70 - 75 triệu đồng. Tuy nhiên, ở khu vực này đa phần là những nhà đầu tư có tiền nắm giữ nên khó có thể mua được.
“Giá từ 4 -5 triệu đồng/m2 cũng có nhưng không phải vị trí thuận tiện. Nếu thuận lợi, các doanh nghiệp lớn bắt đầu đổ bộ thì giá đất chắc chắn còn lên nữa”, người môi giới nhấn mạnh.
Theo khảo sát, giá đất tại xã Vạn Hưng có giá từ 7 - 20 triệu đồng/m2. Tại xã Vạn Thạnh giá dao động từ 15 - 25 triệu đồng/m2. Giá tại Tân Đức Đông dao động từ 12 - 27 triệu đồng/m2… Bên cạnh đó, một số loại đất có thời hạn 50 năm đang được rao bán từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2.
Trong vai khách tìm mua đất, chúng tôi liên hệ với môi giới tên Thành, người này cho biết, trước Tết thị trường khu vực này cũng khá trầm lắng. Tuy nhiên, sau Tết một số nhà đầu tư đã liên hệ tới để xem, giao dịch đất, giá cũng đã tăng nhẹ. Cùng đó, các loại đất cây năm, đất nông nghiệp không còn được nhà đầu tư quan tâm, bởi sợ dính quy hoạch.
“Tính tới hiện tại thì có nhiều giao dịch hơn. Nếu anh mua đầu tư thì vào tiền lúc này là hợp lý. Đến ngày 7/2, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ họp và quyết định đầu tư. Ngày 2/4 sẽ công bố Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn 2050, khi đó có thể sẽ xảy ra sốt đất tại khu vực này”, người môi giới.
Tuy nhiên, anh Thành cho rằng, hiện Khánh Hòa đang lập quy hoạch khu kinh tế Vân Phong nên vẫn có những rủi ro nhất định. Đặc biệt là đầu tư vào các khu vực thưa dân cư và có tiềm năng để phát triển kinh tế như bán đảo Hòn Gốm, Tuần Lễ, Bãi Ngang…Bên cạnh đó, do thị trường chung đang ở giai đoạn chững, vì vậy, nhà đầu tư phải mua bằng tiền thực.