Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa phát đi thông báo tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là khoản nợ của Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hạnh (Hà Nội).
Theo thông báo của phía Agribank, giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 42,498 tỷ đồng. Khoản nợ của Xăng dầu Hải Hạnh được hình thành từ hai hợp đồng tín dụng ký kết giữa doanh nghiệp và Agribank Chi nhánh Quốc Oai (Hà Nội) vào năm 2020 và 2022.
Agribank không thông báo cụ thể về giá trị khoản nợ cũng như thông tin về tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hạnh đăng ký địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Gần đây, hàng loạt ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo hoặc khoản nợ của doanh nghiệp xăng dầu tại các chi nhánh ngân hàng.
Cụ thể, Agribank rao bán khoản nợ 92,677 tỷ đồng của Xuyên Việt Oil, các tài sản của khoản nợ của Xuyên Việt tại Agribank gồm các quyền sử dụng đất tại các địa chỉ số 77/9, số 77/10, số 77/5 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3, TP.HCM; 1 quyền sử dụng đất tại tỉnh Bình Thuận.
Xuyên Việt Oil cũng có số nợ xấu lớn hơn 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Một doanh nghiệp xăng dầu khác là Hải Hà Petro cũng bị BIDV rao bán tài sản đảm bảo trị giá 176 tỷ đồng tại Quảng Trị.
BIDV cũng rao bán quyền sử dụng 19 thửa đất tại Ninh Bình của Công ty Trung Linh Phát - thương nhân đầu mối xăng dầu tại Ninh Bình, giá khởi điểm 211 tỷ đồng.
Ngân hàng Agribank vẫn đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Đại Việt (Hà Nội). Khoản nợ của doanh nghiệp này được rao đấu giá 54 tỷ đồng.
Đây là khoản nợ vay từ năm 2018 và đã được đưa vào nợ nhóm 5. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là ngôi nhà phố cổ Hà Nội tại địa chỉ số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, diện tích 160m2.
Một số doanh nghiệp xăng dầu khác cũng bị rao bán khoản nợ, đấu giá tài sản ở ngân hàng như Dầu khí Bông Sen Vàng (Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng - Đồng Tháp) bị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam rao bán quyền sử dụng 9 bất động sản với giá 95 tỷ đồng.
Trên thực tế, nhóm doanh nghiệp xăng dầu đang có dư nợ lớn tại các ngân hàng như Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil… Đây là những đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, đang bị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu sau các kết luận thanh kiểm tra xăng dầu.
Năm 2023 được xem là năm "vận hạn" của ngành xăng dầu với việc hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu chịu tổn thất, thua lỗ lớn, đặc biệt là doanh nghiệp xăng dầu nhỏ và vừa, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Số nợ thuế VAT của doanh nghiệp xăng dầu rất lớn, chiếm khoảng 1/3 số doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra, năm 2023 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành xăng dầu phải cắt giảm kênh phân phối, chi nhánh, đại lý độc quyền, nhượng quyền kinh doanh.