Giữa bối cảnh dòng vốn tín dụng ngân hàng ngày càng bị siết chặt, trong khi dịch Covid-19 gây thêm áp lực kêu gọi đầu tư từ các đối tác ngoại, lãi suất nhà băng điều chỉnh, trái phiếu đang nổi lên như một kênh thay thế tiềm năng.
Tiếp đà tăng trưởng những năm gần đây, nửa đầu năm 2020, theo thống kê từ SSI Research tổng giá trị phát hành trái phiếu lên đến 171.500 tỷ đồng, tăng 61,3% so với 6 tháng 2019 – bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019. Như vậy, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia hiện là những nước châu Á có thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng mạnh nhất. Quy mô thị trường TPDN tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).
Trong đó, một xu hướng huy động mạnh mẽ đang diễn ra ở nhóm doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo, đi cùng với sự đẩy mạnh đầu tư dự án nhằm chạy đua hưởng giá ưu đãi. Thống kê SSI Research 6 tháng cho thấy, nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10.500 tỷ đồng (chiếm 6,1%) - gấp 5,3 lần cùng kỳ. Trong đó, các NHTM tập trung mua các trái phiếu doanh nghiệp năng lượng.
Thông tin phát hành trái phiếu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ tháng 6 đến nay cũng liên tiếp gọi tên các tay chơi năng lượng tái tạo.
Mới nhất, nhóm 6 công ty gồm Ea Súp 1, Ea Súp 2, Xuân Thiện Đăk Lăk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Năng lượng Sơn La vừa hoàn tất huy động 9.000 tỷ đồng trái phiếu vào cuối tháng 8/2020. Trước đó không lâu, Ea Súp 5 cũng huy động tổng cộng 2.110 tỷ đồng trái phiếu. Đây là nhóm các công ty có liên quan đến tập đoàn Xuân Thiện Ninh Bình - tập đoàn do ông Nguyễn Văn Thiện làm chủ. Ông Thiện là anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - chủ tịch của Thaigroup. Các doanh nghiệp trên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời. Trong đó Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc triển khai dự án có quy mô 200MW tại Ninh Thuận còn nhóm các công ty Easup triển khai dự án tại Đăk Lăk.
Hay tên tuổi dẫn đầu ngành và luôn góp mặt vào Top huy động trên thị trường - Trung Nam Group, tổng huy động trái phiếu đã hơn 6.500 tỷ đồng. Mức lãi suất trung bình Trung Nam đưa ra là 10,5%/năm cho kỳ đầu, tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án.
Về Trung Nam, Tập đoàn hiện kinh doanh đa ngành từ bất động sản, hạ tầng, xây dựng... tuy nhiên theo giới thiệu năng lượng là trụ cột vững mạnh nhất trong hoạt động đầu tư của Trungnam Group. Trung Nam đặt tham vọng trở thành nhà đầu tư năng lượng thành công với nhiều dự án phát triển và làm phong phú nguồn điện năng quốc gia. Công ty đang là chủ đầu tư tại các dự án thuỷ điện lớn như Đồng Nai, Krông No. Đặc biệt, Trung Nam hiện được biết đến nhiều với mảng năng lượng tái tạo, gồm dự án Điện Mặt trời tại Ninh Thuận, Trà Vinh với tổng sản lượng 700 triệu kWh/năm. Năm 2016, Tập đoàn cũng đầu tư dự án điện gió với thiết kế 152 kWh/năm tại Ninh Thuận.
Vietracimex tính từ đầu năm đến nay các thành viên cũng liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, đầu tháng 6, Năng lượng Hồng Phong 2 đã phát hành 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, lãi suất cố định 10%/năm với 4 kỳ tính lãi đầu tiên và được thả nổi các kỳ sau đó. Tài sản bảo đảm gồm quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch; dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B; toàn bộ cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 do các cổ đông đang sở hữu và một số tài sản khác.
Trước đó, một thành viên khác thuộc Vietracimex là Năng lượng Hòa Thắng cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu có kỳ hạn 14 năm với giá trị 220 tỷ đồng. Hòa Thắng đang đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận với công suất 100 MW....
Về Vietracimex, Công ty có tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải). Sau cổ phần hoá, ông Võ Nhật Thăng đã thâu tóm gần 94% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật tính đến hiện tại. Công ty chuyên hoạt động trong mảng bất động sản, thuỷ điện và mới nhất là năng lượng tái tạo. Trong đó, việc huy động hàng ngàn tỷ đầu tư cho thấy tham vọng không hề nhỏ của Công ty trong mảng mới này.
Không chỉ các đơn vị trên, nhiều doanh nghiệp cũng huy động các lô trái phiếu từ hàng trăm đến ngàn tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời, áp mái và điện gió của mình. Đơn cử Gelex đầu năm đã hút hơn 1.000 tỷ trái phiếu, Công ty sẽ dùng toàn bộ số tiền huy động được cho các dự án năng lượng tái tạo đã và đang được triển khai như Nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận (50Mw), Điện gió Hướng Phùng 2 và 3 (50 Mw). Theo kế hoạch mới thông qua, BCG Energy cũng sẽ phát hành 3 loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo lãnh thanh toán và tài sản đảm bảo, với tổng mệnh giá tối đa 220 tỷ đồng....
Đề cập thêm, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ tín dụng xanh. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nhận định vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc phát triển xanh, năng lượng tái tạo là rất quan trọng.
Trước trái phiếu, năng lượng mặt trời là một trong những năng lượng thu hút được dòng vốn đầu tư nhiều nhất trong thời gian qua. Hiện tại, lĩnh vực điện mặt trời nhận được quan tâm của nhiều ngân hàng.
Ghi nhận, dư nợ tín dụng xanh qua thống kê chưa đầy đủ đến tháng 6/2019 đã tăng rất nhanh lên đến 317.600 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng xanh cũng tăng mạnh từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây đã là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam.