Nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề nhức nhối. Sự kiện SCB diễn ra tháng 10/2022 đến nay vẫn là vấn đề lớn đòi hỏi phải giải quyết, chưa kể 3 ngân hàng mua lại bắt buộc đến nay vẫn đang trong quá trình xử lý". Đó là thông tin được Phó Thống đốc Đào Minh Tú đưa ra tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa diễn ra tại Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng từng thừa nhận, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là một việc rất là khó. "Nếu ở điều kiện bình thường đã khó rồi nhưng trong cái bối cảnh mà nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như là những biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này lại càng khó hơn thế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc, việc xây dựng đề án khó, phức tạp và chưa có tiền lệ; trong khi năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tham gia xây dựng đề án này còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng rất là khó khăn. Đồng thời, cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu này cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để có một cái sự đồng thuận, thống nhất.
Trên thực tế, việc nhanh chóng xử lý ngân hàng yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều lần "đốc thúc". Như tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại – đây cũng là một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tâm của năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tại báo cáo đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phần nào "tiết lộ" về số phận của các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt và mua lại bắt buộc; đặc biệt là SCB.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ các cơ quan chức năng cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 04 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Đối với SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB của SCB và Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xử lý SCB và đang nghiên cứu xử lý đề xuất tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư.
"Hiện, NHNN đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB theo quy định", báo cáo đề cập.
Báo cáo cũng nêu rõ: Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Mặc dù, thời gian qua, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan đã được sửa đổi, bổ sung các quy định để kiểm soát, ngăn ngừa các quan hệ sở hữu chéo, sở hữu cổ phần có tính chất thao túng, chi phối hoạt động tổ chức tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhưng chưa thể bao quát được hết các tình huống phát sinh trong thực tế; hơn nữa, việc nhận diện chủ sở hữu "thực" của phần vốn góp và nhóm người có liên quan của cổ đông này là rất khó khăn do các đối tượng có thể lách các quy định của pháp luật,…
Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) và 2 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt (DAB, SCB) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2023 là 4,01%.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Tiếp tục xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; thường xuyên giám sát tiến độ, kết quả xử lý nợ xấu của VAMC.
Tính đến cuối tháng 10/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 5,03%; trong trường hợp không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) và 2 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt (DAB, SCB) thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,97%; toàn hệ thống xử lý được khoảng 184.050 tỷ đồng nợ xấu.