Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự ổn định. Điều này được thể hiện qua việc loạt tổ chức quốc tế vẫn duy trì dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, điển hình như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.
Tương tự, Khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 7,6% lên 8,1%. Ngân hàng toàn cầu này đánh giá 2022 là năm phục hồi bùng nổ của Việt Nam với mức tăng trưởng tiếp tục vượt trội so với mặt bằng chung tại châu Á.
Tuy nhiên, động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu lại đang giảm tốc trong 2 tháng qua. Riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Theo HSBC, nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam đi xuống chủ yếu là lĩnh vực điện tử chiếm 35% tổng kim ngạch suy yếu. Bên cạnh đó, sự suy giảm cũng diễn ra ở nhiều ngành hàng quan trọng như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ và máy móc. Việc kinh tế Mỹ đi xuống càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì Mỹ là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Điểm sáng tích cực trong bối cảnh trên là nhu cầu tiêu dùng trong nước, thị trường lao động tiếp tục phục hồi.
Trong năm tới, ngân hàng này đưa ra dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,8%, thấp hơn mức cũ 6% khi tác động tích cực từ hiệu ứng tái mở cửa nền kinh tế nhạt nhòa dần và tác động của lạm phát cao bắt đầu rõ nét hơn. Trong những tháng gần đây, lạm phát so với cùng kỳ của Việt Nam đã vượt mức 4%.
Dù tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm nay ước tính chỉ khoảng 3,2%, nhóm nghiên cứu của HSBC dự báo lạm phát trong năm tới có thể lên tới 4%. Điều này cũng đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn duy trì chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 14/12, ADB hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương. Theo đó nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau. Song đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay lên 7,5%, trong khi lạm phát 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.
Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6% lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8% thay vì 6,2% so với trước đó.
Theo IMF, mặc dù lạm phát của Việt Nam tương đối thấp, nhưng tỉ lệ này có thể tăng lên khi nhiều hoạt động kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và các loại hàng hóa như phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ trong nước, theo đó tất cả đều gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể chịu tác động của việc tăng huy động vốn và dòng vốn chảy ra nhiều hơn do các điều kiện tài chính đang thắt chặt khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
Cuối cùng, IMF đánh giá những trở ngại từ tình trạng thiếu nguyên liệu thô và hạn chế tiếp cận với hàng hóa trung gian cần thiết cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hơn nữa có thể gây ra sự không chắc chắn lớn hơn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính.
Trước đó, trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2022 và dự báo quý IV/2022, Ngân hàng UOB nhận định sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III/2022 đã tạo nền tảng vững chắc trong 9 tháng đầu năm, là tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ của cả năm 2022 của Việt Nam với mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 là 8,2% (tăng 1,2% so với dự báo trước đó).
Tuy nhiên, UOB cũng lưu ý, điều đáng lo ngại cho triển vọng năm 2023 là chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu - hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Ngân hàng tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính sẽ tiếp tục chậm lại.