Nhiều vấn đề về cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được đặt ra, phân tích tại hội thảo "Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh: cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành và thủ tục hành chính tư pháp" do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 19-4 tại TP HCM.
Càng cải cách càng nhiều giấy phép con
Trao đổi tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam đã cải cách giấy phép kinh doanh gần 20 năm nay. Theo Luật Đầu tư 2014, Việt Nam có 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khi luật sửa đổi năm 2016 thì còn 243 ngành nghề. Thế nhưng, khảo sát của VCCI năm 2017 cho thấy có đến 5.719 giấy phép con đang tồn tại.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các giấy phép con này mang dấu ấn của bộ - ngành quản lý. Vì cơ quan cấp phép đồng thời là cơ quan soạn thảo và đề xuất cắt giảm quy định về giấy phép cộng với văn hóa quản lý "thích cấp phép" dẫn đến việc cải cách hệ thống giấy phép con còn khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa - Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng cần có cách làm khác để cải cách môi trường kinh doanh hiệu quả hơn. "Chúng ta đưa ra chỉ tiêu cắt giảm khoảng 50% thủ tục đăng ký kinh doanh, vận động các bộ - ngành tự giác cắt giảm giấy phép con nhưng tính tự giác của các bộ - ngành không cao. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, hiện có quá nhiều điều kiện kiểm tra gây cản trở DN xuất nhập khẩu. Trong cải cách hành chính thì vấn đề một cửa còn mang tính hình thức, rất ít cơ quan hành chính chịu giảm giấy tờ và công đoạn xử lý hồ sơ…" - ông Tuệ dẫn chứng.
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết từ năm 1998 đến nay, Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán cải cách điều kiện kinh doanh. "Muốn cắt giảm giấy tờ thì phải cấp bộ, muốn cải cách thủ tục hành chính thì từ cấp địa phương. Lâu nay, chúng ta hay nói "trên nóng dưới lạnh" nhưng thực chất không phải địa phương nào cũng "lạnh". Một số địa phương rất "nóng" trong quyết tâm cải cách nhưng ở giữa là các bộ - ngành vẫn còn rất "lạnh" - ông Hiếu ví von.
Còn nhiều thách thức
Số liệu của CIEM cho thấy từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến nay, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đã được cải thiện nhưng mức độ chưa đều và chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM, cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN và có khoảng cách khá xa với Singapore, Malaysia, Thái Lan. Những năm gần đây, các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei tập trung cải cách mạnh mẽ hơn Việt Nam cả về số lượng và mức độ. Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.
"Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 19, kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu và không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, bộ - ngành và địa phương. Chúng ta vẫn chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu là bãi bỏ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm % (mục tiêu là giảm ít nhất 20 điểm %) và số hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể" - bà Thảo nêu.
Chỉ ra việc cải cách môi trường kinh doanh nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng đang gặp phải những thách thức lớn, ông Phan Đức Hiếu cho biết bản thân rất lúng túng, chưa tìm ra giải pháp vượt qua những thách thức này. Theo ông Hiếu, những cải cách đang thực hiện đều nhằm giải bài toán trước mắt, ngắn hạn như vấn đề về môi trường kinh doanh, dễ dàng gia nhập thị trường, xóa bỏ điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính… Những cải cách lâu dài đã manh nha và cần thực hiện ngay. Bên cạnh đó, việc cải cách chỉ mới thực hiện một phần, chưa có giải pháp quyết liệt, cụ thể đối với vấn đề an toàn trong môi trường kinh doanh gồm quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo vệ tài sản, an toàn trong giải quyết các tranh chấp… Cuối cùng, ngay cả thực hiện các cải cách như mong muốn thì Việt Nam chỉ ở mức trung bình của ASEAN 4, nếu muốn vươn đến mục tiêu cao hơn càng khó hơn.
"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để tổ chức thực thi đầy đủ, nhất quán, đúng thời hạn, mục tiêu những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Làm sao để không có thêm Nghị quyết 19 năm 2019, 2020 tiếp tục đưa ra những mục tiêu cải cách như từng đưa ra 4 năm nay" - ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.
Kinh tế tư nhân quá yếu ớt
Theo ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế trưởng của Economica (tổ chức chuyên về lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án), khu vực kinh tế tư nhân có đăng ký chính thức rất yếu ớt. Đến nay, 55% DN tư nhân đang hoạt động không có lãi. Khả năng sinh lời của DN liên tục giảm trong những năm qua, chỉ khoảng 3,6%; riêng khu vực kinh tế tư nhân thì khả năng sinh lời chỉ 1,8%, quá thấp so với lãi suất ngân hàng. Khu vực kinh tế tư nhân có đăng ký chính thức chỉ đóng góp 8,2% GDP, 32% còn lại đến từ khu vực không chính thức là các hộ kinh doanh cá thể.