Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với chưa đầy một tuổi đời dường như bắt đầu vấp phải những phản ứng từ các "anh cả đỏ". Tình hình đòi hỏi sự khéo tay "ấn" của Chính phủ đối với cả hai bên.
Vào tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập một bên là Ủy ban quản lý vốn nhà nước, một bên là lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng ngồi lại với nhau và Thường trực Chính phủ ở giữa lắng nghe, giải đáp, nêu rõ các yêu cầu đối với cả hai bên trong thời gian tới.
Liền sau đó, cuộc họp tổng kết 6 tháng năm 2019 của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng tiếp tục mổ xẻ về vấn đề này.
Thời gian qua, có một số vướng mắc về thể chế, quy định, trong đó vướng mắc trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của tập đoàn, tổng công ty, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư... Các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, là cơ quan quản lý nhà nước với Ủy ban, là cơ quan quản lý vốn.
Việc thành lập Ủy ban là một chủ trương lớn của Đảng nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thủ tướng đã quán triệt cần thực hiện nghiêm chủ trương này của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên Ủy ban quản lý vốn nhà nước cố gắng xốc lại hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước để các doanh nghiệp này thực sự là các "anh cả đỏ" của nền kinh tế, vừa lưu ý cơ quan này, bộ máy mới thì phải tư duy mới, rũ bỏ hoàn toàn kiểu cách hành chính quan liêu để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải lại trở thành một cơ quan hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thủ tướng chia sẻ: "Ở các nước, các tập đoàn, tổng công ty có luật riêng, hệ thống pháp luật để quản lý đã khá đầy đủ, còn chúng ta hiện chỉ có nghị định riêng đối với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel... Các tập đoàn, tổng công ty còn lại phần lớn chưa có. Do vậy, sự năng động, trách nhiệm của Ủy ban càng phải lớn hơn để tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời nhắc nhở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đi vào trong khuôn khổ, có chiến lược và tầm nhìn trong phát triển chứ không phải cứ theo lề lối cũ "nóng đâu phủi đấy".
Được Thủ tướng giao trực tiếp phụ trách ủy ban này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ rất nghiêm khắc với yêu cầu "cần quán triệt sâu sắc Nghị định 131/2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban, tránh tình trạng quản lý nhà nước về chức năng đại diện chủ sở hữu và đại diện sở hữu lại muốn làm chức năng quản lý. Dù hai lĩnh vực này có mối quan hệ gắn bó, nhưng phải làm cho đúng vai, đúng chủ trương đường lối. Việc xây dựng chiến lược phát triển cần tập trung vào các doanh nghiệp, chứ không phải là chiến lược phát triển của ủy ban này".
Còn tại cuộc họp tổng kết 6 tháng năm 2019 của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, đề cập đến những ý kiến cho rằng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gây ra nhiều khó khăn chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần phải nhìn từ hai phía.
Mô hình Ủy ban là mới và trên thế giới không có một mô hình chung nào. Chính vì không có tiền lệ như vậy nên việc áp dụng còn nhiều bỡ ngỡ, cán bộ chưa được tôi luyện, chưa có nhiều kinh nghiệm, từ đó, cách thức xử lý công việc chưa đúng, trúng. Trong khi đó, quản lý vốn lại là vấn đề hết sức phức tạp, mới, đó là những vấn đề mang tính khách quan.
Cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã có văn bản yêu cầu ủy ban, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty có báo cáo đánh giá, phản ánh những vấn đề chưa được trong quá trình hoạt động ở mô hình mới, sau đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập hợp các kiến nghị và tổ chức hội nghị với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành xem xét những vướng mắc.
Ông Bình nói thêm: "Quản lý vốn là vấn đề phức tạp và điều quan trọng là phải xác định rõ quản đến đâu vì không phải cái gì cũng quản hết được. Vì vậy cần phải xem xét Ủy ban quản lý cái gì thì hợp lý, phân cấp chức năng đến đâu để doanh nghiệp chủ động quyết định. Quan hệ giữa đại diện vốn và quản lý vốn cũng cần rạch ròi đâu là việc chủ trì, đâu là việc phối hợp bởi nếu nói quản lý vốn mà làm hết thì không phải đúng chủ trương của chúng ta khi thành lập Ủy ban này".
Theo Thủ tướng, "Điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có 2 việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỷ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách nhà nước.
Vào cuối năm ngoái, khi tiến hành tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước "được" bàn giao tới 373 đầu việc dở dang, phức tạp, tồn tại nhiều năm của 19 "anh cả đỏ" gồm các nhóm vấn đề liên quan quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt tiền lương năm 2018, đầu tư thương mại... tại các doanh nghiệp như dầu khí, điện lực, lương thực miền Bắc, công nghiệp hoá chất, viễn thông Mobifone...
Trong đó, có nhiều việc phức tạp, vướng mắc khó khăn tồn tại khá lâu chưa được các bộ xử lý phải chuyển về Uỷ ban.