Điệp khúc “chờ”
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, chủ một Công ty may ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) than thở, dù là một trong 45 DN được ưu tiên tiêm vắc-xin do nằm trong “vùng đỏ” (nơi có tỷ lệ mắc COVID-19 cao) nhưng từ tháng 7/2021 đến nay, DN vẫn chưa được gọi tên. DN tìm hiểu mới biết bị loại khỏi danh sách ưu tiên mà không có lý do.
“Chúng tôi phải liên hệ nhiều nơi, nhờ các mối quan hệ thì một số công nhân mới được tiêm mũi 1. Bây giờ, Thành phố tạo điều kiện do DN mở cửa sản xuất, nhưng chỉ DN có công nhân “thẻ xanh” mới được vào làm, điều này càng đẩy DN vào thế khó. DN không có công nhân thì sản xuất thế nào?” - vị này bức xúc.
Các doanh nghiệp mong sớm ổn định sản xuất (một nhà máy hoạt động trước đợt dịch thứ 4) ảnh: Mạnh Thắng
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, đa số công nhân tại TPHCM đều đã được tiêm mũi 1. Tuy nhiên, nhiều công nhân xin tạm nghỉ về quê chưa được tiêm. “Khi hết giãn cách, DN tái sản xuất muốn tuyển thêm lao động cũng khó, bởi yêu cầu phải có “thẻ xanh”, trong khi Thành phố vẫn còn nhiều lao động chưa tiêm vắc-xin, nguy cơ thiếu hụt lao động là vấn đề hiện hữu”, ông Vinh nói.
Tại Đồng Nai, sau hơn 2 tháng ngưng hoạt động theo quy định phòng, chống dịch, Công ty Pousung VN tại KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) thông báo, ngày 20/9 cho lao động đi làm trở lại. Tuy nhiên, kế hoạch của DN đã phải dừng lại. Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Pousung VN cho biết, quy định mới có nhiều điều khoản rất khó áp dụng. Theo quy định 100% lao động đều phải tiêm vắc-xin thì rất khó, vì trong số gần 40.000 lao động của DN chỉ khoảng 40% được tiêm mũi 1, nhiều người còn chưa đủ 14 ngày. Phương án DN đưa đón công nhân đi, về cũng khó khả thi.
“Chúng tôi hiểu chính quyền lo lắng, nhưng cũng nên giao quyền cho DN thực hiện phương án phòng, chống dịch COVID -19 trong sản xuất, để nhanh chóng ổn định sản xuất”, ông Trường kiến nghị.
Ông Chang Yong Jun, Giám đốc Công ty Hwaseung ViNa (KCN Nhơn Trạch 1) cho biết: “Công ty có 15.000 công nhân đều ở huyện Nhơn Trạch. Bất cập ở chỗ theo quy định, huyện chỉ có một xã vùng xanh, trong khi hơn 90% công nhân dù ở cùng huyện nhưng lại thuộc các xã vùng “cam, đỏ”.
“ngặt” điều kiện mở cửa
Để thu hút người lao động quay lại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép người có giấy xác nhận của DN trong “vùng xanh” được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Các cơ sở đang thực hiện “3 tại chỗ” hơn 14 ngày, chỉ người lao động đang sinh sống trên cùng địa bàn được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc.
“Điều kiện bắt buộc là DN và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Người lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký. DN và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển”, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, DN đang có hai dự án lớn tại Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc với khoảng 3.000 lao động. Vì vậy, công ty kiến nghị Bà Rịa-Vũng Tàu tạo điều kiện được đưa người lao động về TPHCM để tiêm vắc-xin. DN cam kết có phương án trình tỉnh xem xét, đảm bảo an toàn khi di chuyển. Ngoài ra, Công ty kiến nghị tỉnh được tiếp nhận lao động “vùng xanh” ở các tỉnh như Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM…
Tại tỉnh Bình Dương, DN muốn sản xuất phải đáp ứng “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh). “Dựa vào điều kiện của địa phương, chúng tôi đã liên hệ với các khu nhà trọ trên địa bàn. Các chủ nhà trọ đều ủng hộ khi chúng tôi đề cập việc thực hiện mô hình hoạt động “3 xanh” ông Phan Thế Hiệp, đại diện Công ty TNHH Gốm sứ xuất khẩu Eschbach cho biết.
Cần phủ rộng vắc-xin
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tiêm vắc-xin là vấn đề căn cơ nhất để công nhân có thể đi làm, nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ vào đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới đạt trung bình 30-35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 dưới 5%.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việtla Nam cho hay, phần lớn DN chưa được tiêm mũi 2, tỉ lệ tiêm mũi 1 chỉ khoảng 30%. Mở cửa hoạt động trở lại sau giãn cách, không quá 30-40% DN đáp ứng được.
“Tại TPHCM, nhiều DN độ phủ vắc-xin thấp, lao động thiếu hụt nghiêm trọng. Để đảm bảo sản xuất an toàn, rất cần ưu tiên vắc-xin cho lao động tại TPHCM, Bình Dương, và các tỉnh lân cận Bình Phước, Long An, Tây Ninh... Cần tiêm phủ đủ 2 mũi trước 31/12/2021”, ông Giang kiến nghị.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang ưu tiên vắc-xin cho người lao động tại các DN “3 tại chỗ”, tiêm phủ toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Đồng Nai đang từng bước mở cửa hoạt động trở lại nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân là trên hết. Hiện tỉnh đang áp dụng tiêu chí “vùng xanh” đến quy mô phường xã.
“Các địa phương “vùng xanh” được hoạt động sản xuất nhưng phải đáp ứng điều kiện “3 xanh”. Khi phát hiện F0, DN phải có kế hoạch ứng phó mà không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, nghĩa là dù có F0, nhà máy vẫn không bị đóng cửa. Đối với các DN không bảo đảm an toàn thì không cho phép hoạt động”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh.